a. Tên luận án: Dân số và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận án: Nguyễn Thị Hiển
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Dĩ An
đ. Mục tiêu của luận văn - luận án: Vận dụng cơ sở lý luận, thực tiễn về dân số và phát triển kinh tế - xã hội, để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng, phân tích các đặc điểm dân số, phát triển kinh tế - xã hội và mối quan hệ giữa chúng ở tỉnh Bình Dương. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hợp lý, bền vững dân số và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội (KT-XH). Chính vì vậy, việc nghiên cứu dân số (về qui mô, gia tăng dân số, cơ cấu dân số, sự phân bố) luôn được quan tâm, trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển KT - XH của mọi quốc gia trên thế giới. Dân số tăng quá nhanh hoặc không tăng sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển KT - XH.
Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, có vị trí địa lí thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật với các tỉnh trong vùng ĐNB, với cả nước và quốc tế. Đây cũng là lợi thế thu hút các nhà đầu tư, dân cư, lao động đến làm ăn, sinh sống. Chính điều này đã làm cho tình hình phát triển KT - XH và đặc điểm dân số của Bình Dương có nhiều biến động đặc biệt là từ năm 2000 đến nay.
Trong thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến quan trọng, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh (năm 2014 đạt 13,0%); cơ cấu GDP theo ngành chuyển dịch theo hướng tích cực với ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng rất cao (năm 2014 chiếm 60,2%); tỉ trọng của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn hẳn mức trung bình cả nước (34,2% năm 2014) và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp.
Do nhu cầu phát triển công nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã thu hút rất nhiều lao động nhập cư đến làm việc khiến cho qui mô dân số ngày càng lớn, gia tăng dân số chủ yếu là gia tăng cơ học (đứng đầu cả nước - 3,06% năm 2014), cơ cấu lao động có những nét khác biệt với tỉ lệ lao động công nghiệp chiếm 60,3% năm 2014 (nếu tính cả xây dựng là 65,9%) trong khi cả nước chỉ có 15,1% (kể cả xây dựng là 21,4%)… Những thay đổi về đặc điểm dân số như: qui mô, gia tăng cơ học, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư ngược lại có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT - XH của tỉnh, vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư cả trong hiện tại và tương lai.
Vì vậy, nghiên cứu dân số và phát triển KT - XH tỉnh Bình Dương là một vấn đề cấp thiết cả về lí luận và thực tiễn, góp phần vào việc thực hiện tốt chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian tới. Xuất phát từ lí do trên, tác giả đã chọn đề tài “Dân số và phát triển KT - XH tỉnh Bình Dương” để nghiên cứu luận án Tiến sĩ Địa lí học. Với mục tiêu là vận dụng cơ sở lí luận, thực tiễn về dân số và phát triển KT - XH, để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng, phân tích các đặc điểm dân số, phát triển KT - XH và mối quan hệ giữa chúng ở tỉnh Bình Dương. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hợp lí, bền vững dân số và KT - XH của tỉnh trong tương lai.
Qua nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn về dân số và phát triển kinh tế xã hội, tác giả nhận thấy:
Dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển KT - XH. Các đặc điểm chính về dân số là qui mô, gia tăng dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân cư và đô thị hóa. Về phát triển KT - XH, các đặc trưng cơ bản về phát triển kinh tế là qui mô và tốc độ tăng GRDP, cơ cấu kinh tế. Về xã hội, các vấn đề quan tâm là: lao động việc làm, nghèo và giảm nghèo, y tế, giáo dục. Tất cả các đặc điểm về dân số và KT - XH này có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề dân số và mối quan hệ giữa dân số với phát triển KT – XH với những cách lí giải rất khác nhau. Đó là các học thuyết của Malthus về dân số, của Marx và Engles, học thuyết quá độ dân số… Qua nghiên cứu nội dung chính của các học thuyết sẽ giúp tác giả có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề dân số và phát triển KT – XH trên địa bàn nghiên cứu là tỉnh Bình Dương.
Mối quan hệ giữa dân số và KT - XH chịu tác động của nhiều nhân tố. Các nhân tố quan trọng phải kể đến là vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, điều kiện KT - XH. Trong khi các nhân tố tự nhiên là tiền đề cho việc phát triển KT - XH và phân bố dân cư thì các nhân tố KT - XH như đường lối phát triển KT - XH, cơ sở hạ tầng - cơ sở vật chất kĩ thuật… là các nhân tố cốt lõi làm thay đổi các đặc điểm về dân số và phát triển KT - XH.
Trong quá trình nghiên cứu mối quan hệ giữa dân số và phát triển KT - XH, có thể nhận thấy rằng qui mô và gia tăng dân số là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng cũng chính qui mô và tăng trưởng kinh tế cũng như phân bố sản xuất sẽ làm thay đổi các đặc điểm về cơ cấu dân số, phân bố dân cư và đô thị hóa đồng thời làm thay đổi các đặc điểm xã hội của dân số như trình độ văn hóa, cơ cấu nghề nghiệp của người lao động. Qui mô và gia tăng dân số tác động lớn đến TNBQĐN, đến nghèo và giảm nghèo đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành y tế, giáo dục. Ngược lại, các thành tựu về y tế, giáo dục là nhân tố quan trọng tác động đến mức sinh, mức tử và góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Để phân tích, đánh giá được mối quan hệ giữa dân số và phát triển KT - XH vận dụng cho cấp tỉnh cần dựa vào một số tiêu chí nhất định, gồm 2 nhóm là: tiêu chí đánh giá về dân số và tiêu chí đánh giá về phát triển KT - XH. Về dân số, đó là: qui mô, gia tăng dân số; cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính; về KT là qui mô, tốc độ tăng trưởng GDP và cơ cấu GDP; về xã hội là các tiêu chí đánh giá về lao động - việc làm; nghèo và giảm nghèo, y tế, giáo dục...
Từ cơ sở phân tích thực tiễn về mối quan hệ giữa dân số và phát triển KT - XH của cả nước nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng, tác giả định hướng kinh nghiệm cho phân tích vào địa bàn cụ thể ở tỉnh Bình Dương như:
1. Tỉnh Bình Dương có nhiều ưu thế về vị trí địa lí; điều kiện tự nhiên; có cơ sở hạ tầng – vật chất kĩ thuật tương đối tốt; đường lối phát triển KT - XH đúng đắn. Tất cả tạo thuận lợi trong phát triển KT - XH và thu hút dân cư, lao động từ các tỉnh khác trong cả nước đến đây làm việc và sinh sống.
2. Tỉnh có qui mô dân số lớn và ngày càng tăng, phụ thuộc chủ yếu vào gia tăng cơ học (nhập cư), hiện đang có cơ cấu dân số vàng, cung cấp nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn. Dân cư và lao động tập trung chủ yếu ở các đơn vị hành chính phía Nam, tỉ lệ dân thành thị cao thứ 2 vùng Đông Nam bộ (sau Tp. HCM). Tuy nhiên, dân số tăng nhanh do nhập cư và phân bố không đều là trở ngại lớn trong vấn đề phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian tới nhất là ở các đơn vị hành chính phía Nam.
3. Về kinh tế: kinh tế trong thời gian qua phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng GRDP cao và khá ổn định, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông - lâm - thủy sản. Các đơn vị hành chính phía Nam (Tp. Thủ Dầu Một, TX. Thuận An, TX. Dĩ An) là nơi tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, đó là ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng quá cao trong cơ cấu GDP và còn tập trung nhiều vào các ngành thâm dụng lao động, trình độ kĩ thuật thấp; ngành dịch vụ còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là du lịch; ngành nông nghiệp còn hạn chế trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất… Về xã hội: Tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo với tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,03% (năm 2014), giải quyết việc làm cho người lao động và hệ thống giáo dục, y tế ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển. Ngoài ra, áp lực lớn về y tế, giáo dục, thất nghiệp ở các đơn vị hành chính phía Nam còn lớn do dân nhập cư quá đông là những hạn chế chính trong phát triển xã hội của tỉnh.
4. Về mối quan hệ giữa dân số và phát triển KT - XH tỉnh Bình Dương, có thể thấy qui mô dân số đông, tăng nhanh và cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn cho phát triển kinh tế, tuy nhiên, cũng gây sức ép lớn lên vấn đề giải quyết việc làm, hệ thống y tế, giáo dục trong tỉnh. Ngược lại, những thay đổi to lớn trong sự phát triển KT - XH là nhân tố quan trọng thu hút đông đảo lao động nhập cư vào Bình Dương làm việc, làm thay đổi các đặc điểm về dân số của tỉnh trong thời gian qua, tạo nên sự phân hóa về kinh tế và dân số giữa các đơn vị hành chính phía Bắc và phía Nam.
5. Bên cạnh những mặt tích cực, các đặc điểm về dân số, phát triển KT - XH tỉnh Bình Dương và mối quan hệ giữa chúng vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, việc đưa ra định hướng và giải pháp đúng đắn về dân số và phát triển KT – XH trong thời gian tới là hết sức cần thiết để đạt những mục tiêu đề ra và đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc TW trước năm 2020.
Trên cơ sở phân tích thực trạng dân số và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương và mối quan hệ giữa chúng, tác giả cũng đã mạnh dạn đề xuất một số các giải pháp nhằm tạo sự phát triển hợp lí giữa dân số và kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững, góp phần giúp Bình Dương đạt được những mục tiêu, định hướng đã đề ra.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).