a. Tên luận văn: Liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Lê Thị Xiêm
c. Tên đơn vị công tác: Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Dương
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Văn học Việt Nam đương đại đang chứng kiến sự đổi mình mạnh mẽ của các cây bút trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X. Đây là một thế hệ trưởng thành trong thời bình, được thừa hưởng những thành tựu của công cuộc Đổi mới và hội nhập của đất nước nên rất thuận tiện trong việc tiếp biến những lý thuyết văn học hiện đại của thế giới. Với ý thức tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, đội ngũ những nhà văn trẻ đã không ngừng làm mới mình, góp phần làm đa dạng nền văn học đương đại cả về nội dung phản ánh và hình thức biểu hiện.
Trong những năm gần đây, văn đàn xuất hiện hàng loạt các cây bút sung sức như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Di Li, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Trần Nhã Thụy, Đỗ Bích Thúy, Vũ Đình Giang, Võ Diệu Thanh, Trương Anh Quốc,... Trong đó, Nguyễn Đình Tú là nhà văn có sức viết dồi dào nhất bởi chỉ trong hơn mười năm mà ông đã cho ra đời tám tiểu thuyết.
Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là ở chỗ nhà văn đã đưa hơi thở của cuộc sống đương đại, đặc biệt là đời sống của giới trẻ vào trong tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một hiện thực và không gian nghệ thuật riêng với một cách xử lí riêng, một giọng điệu riêng, một văn phong riêng. Vì thế, tác phẩm của ông không chỉ được giới độc giả trẻ quan tâm mà còn thu hút độc giả ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Đó là một trong những thành công đáng ghi nhận trong quá trình sáng tác của nhà văn Hải Thành này.
Việc tìm hiểu tính liên văn bản trong sáng tác của các nhà văn hiện đại Việt Nam là một vấn đề không mới. Đã có nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về liên văn bản trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, của Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo,… Với sáng tác của Nguyễn Đình Tú, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào tiếp cận một cách hệ thống tính liên văn bản trong tiểu thuyết của ông. Để thấy được nỗ lực cách tân trong bút pháp cũng như dấu ấn hậu hiện đại trong sáng tác của nhà văn quân đội này, tác giả đã quyết định lựa chọn thực hiện đề tài Liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, cụ thể, đề tài tập trung vào 8 tiểu thuyết: Hồ sơ một tử tù (NXB Văn học, 2011, tái bản lần thứ 5); Bên dòng Sầu Diện (NXB Trẻ, 2015, tái bản lần thứ 2); Nháp (NXB Trẻ, 2014); Phiên bản (NXB Công an nhân dân, 2009); Kín (NXB Văn học, 2010); Hoang tâm (NXB Trẻ, 2015); Xác phàm (NXB Trẻ, 2014); Cô Mặc Sầu (NXB Công an nhân dân, 2015).
Liên văn bản hiểu theo nghĩa rộng nhất có thể được xác định như là “sự tương tác của văn bản”, nhưng tùy thuộc vào lập trường triết học và nghiên cứu của nhà khoa học mà nội dung cụ thể của nó có thể biến đổi (L.P.Rjanskaya). Theo đó, liên văn bản là một khái niệm vừa nhằm chỉ tất cả các thủ pháp kiến tạo những mối quan hệ giữa các văn bản văn học (trích dẫn, ám chỉ, bình giải, nhại, bắt chước, vay mượn), vừa nhằm miêu tả thuộc tính bản thể của mọi văn bản. Chính vì liên văn bản là thuộc tính bản thể của mọi văn bản nên theo Nguyễn Văn Thuấn, “Liên mạng, liên văn hóa, liên ngành, liên chủ thể, liên ý thức, liên cá nhân là những khái niệm gần gũi của tính liên văn bản”. Với lý thuyết này, văn bản luôn tồn tại trong thế đa nguyên, năng sản và luôn hàm chứa tính đối thoại. Vì thế, việc tiếp cận văn học từ lý thuyết liên văn bản là một hướng tiếp cận triển vọng bởi nó kích thích tinh thần khám phá khoa học, mở ra khả năng hiểu biết những vỉa tầng văn hóa của người đọc cũng như giúp họ nhận thức sâu sắc hơn hiện thực cuộc sống đa chiều.
Kể từ khi ra đời đến nay, liên văn bản đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu và có nhiều ý kiến xoay quanh khái niệm của thuật ngữ này. Để có một cái nhìn tổng quát và đi đến hiểu đúng bản chất của khái niệm liên văn bản, tạo tiền đề cho việc vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu tác phẩm văn học, trong đề tài này, tác gải đã trình bày những khái niệm và lịch sử hình thành, phát triển của lý thuyết liên văn bản, nhấn mạnh những quan điểm, những cách hiểu khác nhau của các nhà lập thuyết về thuật ngữ liên văn bản.
Thông qua việc phân tích cơ sở lí thuyết, chúng tôi nhận thấy liên văn bản vừa được xem là thuộc tính của mọi văn bản, vừa là một thủ pháp đặc trưng của văn học hậu hiện đại. Các nhà văn hậu hiện đại trên thế giới vận dụng thủ pháp này trong sáng tác văn học như một cách phi trung hóa cốt truyện, xóa bỏ đường biên thể loại, dung nạp những tri thức xã hội văn hóa của nhân loại. Thủ pháp liên văn bản chính là hiện thân của trò chơi kết cấu trong sáng tác văn chương, như một cách lạ hóa lối viết nhằm thay đổi khẩu vị của bạn đọc và thu hút độc giả trong thời buổi công nghệ số phát triển như hiện nay. Chính vì thế, nó đã trở thành một khái niệm căn bản trong việc phân tích các tác phẩm văn chương hậu hiện đại. Trong dòng chảy của văn học đương đại, cùng với những nhà văn đàn anh như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh,… Nguyễn Đình Tú với những quan niệm văn chương tích cực đã luôn nỗ lực đổi mới lối viết của mình theo khuynh hướng hậu hiện đại. Việc vận dụng thủ pháp liên văn bản trong tiểu thuyết của ông là một biểu hiện rõ nét cho khuynh hướng đó. Điều đó thật sự tạo nên dấu ấn của Nguyễn Đình Tú trong văn xuôi đương đại Việt Nam.
Qua những biểu hiện của sự dung hợp thể loại trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú được khảo sát và phân tích, tác giả nhận định tính năng động của tiểu thuyết đương đại trong khả năng mở rộng đường biên thể loại. Tiểu thuyết có khả năng dung nạp vào trong nó các thể loại khác nhằm mở rộng biên độ tiếp cận, phản ánh hiện thực đa chiều kích của cuộc sống, con người. Trong điều kiện văn học nước ta đang tiếp tục quá trình hiện đại hóa, hội nhập với văn học thế giới thì việc dung hợp thể loại là một cách để nhà văn đổi mới lối viết, thực hiện trò chơi hóa văn chương, lạ hóa kết cấu nhằm mang đến cho bạn đọc những cảm giác mới, thu hút họ đến với văn học. Đó là xu thế tất yếu, là hướng đi khả dụng để văn học có thể giữ được vai trò, vị trí của mình khi mà sự phát triển của công nghệ thông tin khiến văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc như hiện nay.
Văn hóa luôn là chiếc nôi của văn học. Một tác phẩm văn học nếu không xuất phát từ văn hóa và gắn liền với văn hóa thì sẽ nhanh chóng bị đào thải trong quá trình tiếp nhận. Sự hiện diện của văn hóa trong sáng tác văn chương là một tất yếu. Với quan điểm thế giới là một văn bản khổng lồ mà một văn bản mới được viết ra luôn có sự ảnh hưởng từ những văn bản ra đời trước đó thì văn hóa được xem là một “tiền văn bản” đã và đang chi phối, ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo nghệ thuật, hiện hữu trong các văn bản nghệ thuật, trong đó có văn học. Qua những khảo sát, phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú có sự dung hợp những nét đẹp của văn hóa truyền thống như phong tục, tập quán của các tộc người, là văn hóa tín ngưỡng tâm linh và cả những biểu hiện của văn hóa đương đại qua đời sống của con người, đặc biệt là giới trẻ. Điều đáng ghi nhận của cây bút này là qua cách tiếp cận và thể hiện riêng của nhà văn, người đọc nhận thấy những vấn đề của xã hội và con người hiện đại.
Kết quả đề tài nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu về biểu hiện và hiệu quả của tính liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Đề tài đã Nghiên cứu hệ thống những biểu hiện của tính liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nhằm soi rõ biểu hiểu hiện của lý thuyết liên văn bản trong các sáng tác của ông, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của lý thuyết liên văn bản trong sáng tác của nhà văn này nói riêng và trong văn học đương đại Việt Nam nói chung; Phân tích những biểu hiện của tính tính liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nhìn từ phương diện thể loại và phương diện văn hóa để từ đó làm nổi bật đặc trưng tiểu thuyết của nhà văn quân đội này. Khẳng định những đóng góp cũng như vai trò, vị trí của Nguyễn Đình Tú trong dòng văn xuôi đương đại Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).