a. Tên luận văn: Nghiên cứu ảnh hưởng của độ mảnh sợi ngang đến một số đặc trưng cơ lý của vải đũi
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trần Thị Tuyết Hương
c. Tên đơn vị công tác: Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương
d. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Cùng với kinh tế cả nước, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định trong giai đoạn từ 2011 đến 2015. Năm 2014 xuất khẩu toàn ngành đạt 24,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ 2013. Trong 9 tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17.08 tỷ USD, tăng 10.6% so với cùng kỳ năm 2014. Tốc độ tăng bình quân 5 năm: 14,74%/năm; đưa Dệt May trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, duy trì được vị trí top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới”(theo nguồn NCIF).
Các sản phẩm dệt may đã có chất lượng ngày một tốt hơn, và được nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản chấp nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều nhà nhập khẩu, nhiều tập đoàn tiêu thụ lớn trên thế giới. Và trong những năm gần đây nhu cầu về những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên thân thiện với con người và môi trường ngày càng tăng cao, trong đó phải kể đến tơ tằm, đây là sản phẩm dệt cao cấp từ thiên nhiên, có giá trị thương mại cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm từ vải tơ tằm rất được ưa chuộng bởi rất nhiều ưu điểm. Vải đũi được dệt từ tơ đũi hoặc sợi đũi là phế phẩm của quá trình ươm tơ dệt lụa, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào tận dụng được phế phẩm mà vẫn giữ được các ưu điểm vốn có của sợi tơ tằm. Do đó, tác giả đã chọn nghiên cứu ảnh hưởng của độ mảnh sợi ngang đến một số đặc trưng cơ lý của vải đũi để làm cơ sở khoa học lựa chọn thông số công nghệ dệt cho vải đũi phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường.
Với mục đích xác định các ảnh hưởng của độ mảnh sợi ngang và một số tính chất cơ lý của đối tượng nghiên cứu là vải đũi sau khi dệt. Tác giả đã chọn 4 mẫu vải đũi dệt tại công ty TNHH Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo (Lâm Đồng) với kiểu dệt vân điểm, sợi đũi dọc cùng một loại: 15,5x3D; Sợi đũi ngang lần lượt là: 182D, 233D, 276D, 337D; Mật độ sợi dọc 510 sợi/10cm; Mật độ sợi ngang 260 sợi/10cm.
Vải đũi là được dệt từ sợi đũi là phế liệu của quá trình ươm tơ dệt lụa tơ tằm. Vải đũi những năm gần đây được ưa chuộng và sử dụng nhiều vì có ưu điểm xốp, nhẹ, mát, có khả năng hút ẩm, nhả ẩm tốt, thân thiện với môi trường, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, giá thành lại rẻ phù hợp với ngành thời trang may mặc. Phế liệu của tơ tằm phân ra 2 loại chính: Lẫn ít tạp chất và có lượng tơ cao và nhiều tạp chất, chất lượng tơ thấp. Phế liệu gồm các loại: Áo nhộng, vỏ kén, kén đôi, kén thủng, kén tan. Ngoài ra còn các tơ vụn, tơ phế khác.
Vải tơ tằm là một loại vải cao cấp có nhiều tính chất đặc biệt hơn hẳn so với những loại vải từ sợi hóa học hoặc sợi thiên nhiên khác. Độ mảnh sợi ngang thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các đặc trưng cơ lý của vải đũi. Vì thế luận văn tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của độ mảnh sợi ngang đến khối lượng vải, độ bền kéo đứt, độ giãn đứt, độ bền xé rách, độ co sau giặt theo hướng sợi dọc và hướng sợi ngang của vải đũi, nhằm lựa chọn độ mảnh sợi ngang phù hợp để sản xuất vải đũi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm may mặc thời trang.
Máy đo độ bền kéo đứt và độ giãn đứt của vải
Luận văn sử dụng bốn mẫu vải đũi dệt thoi vân điểm dệt từ sợi phế phẩm của tơ tằm trên máy dệt Han Jin của Hàn Quốc tại công ty TNHH Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo (Lâm Đồng) với độ mảnh sợi dọc không đổi 15,5x3D, độ mảnh sợi ngang lần lượt là: 182D, 233D, 276D, 337D; Mật độ sợi dọc 510 sợi/10cm; Mật độ sợi ngang 260 sợi/10cm. Đây là các loại vải đũi được sử dụng phổ biến trên thị trường. Các thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện tiêu chuẩn: nhiệt độ 20±20C, độ ẩm tương đối 65±4% tại Trung tâm thí nghiệm - Phân Viện Dệt may TP. Hồ Chí Minh.
Thông số kỹ thuật của các mẫu vải đũi
Trong bảng trên bốn mẫu vải đũi được tạo nên từ sợi dọc có chi số độ mảnh giống nhau là 15,5Dx3, độ mảnh sợi ngang thay đổi tăng dần từ mẫu M1 đến mẫu M4. Cho nên chủ yếu các giá trị thực nghiệm phụ thuộc vào yếu tố độ mảnh sợi ngang của vải đũi.
Kết quả thí nghiệm thông số kỹ thuật của các mẫu vải đũi
Kết quả thí nghiệm xác định khối lượng, độ mảnh sợi ngang và mật độ của vải đũi, nhận thấy các thông số của vải đũi tăng phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm xác định một số đặc trưng cơ lý của vải đũi. Xác định khối lượng vải g/m2 theo tiêu chuẩn ISO 7211-6-84; xác định mật độ sợi của vải theo tiêu chuẩn ISO 7211-2-84; xác định độ bền kéo đứt và độ giãn đứt của vải theo tiêu chuẩn ISO 13934-1-13; xác định độ bền xé của vải theo tiêu chuẩn ISO 13937-1-00; xác định sự thay đổi kích thước sau giặt của vải theo tiêu chuẩn ISO 6330-12; nghiên cứu ảnh hưởng của độ mảnh sợi ngang đến khối lượng vải, độ bền kéo đứt, độ giãn đứt, độ bền xé, độ co sau giặt của vải đũi.
Qua các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện tại phân viện Dệt may tại Tp.HCM thấy: khi thay đổi độ mảnh sợi ngang của vải đũi có kiểu dệt vân điểm sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tính chất cơ lý của vải.
- Khối lượng vải đũi tăng tỷ lệ thuận với mức độ tăng độ mảnh sợi ngang.
- Độ bền kéo đứt vải đũi theo hướng dọc và hướng ngang đều tăng khi tăng độ mảnh sợi ngang tăng, mức độ tăng độ bền kéo đứt vải đũi theo hướng ngang lớn hơn mức độ tăng độ bền kéo đứt vải đũi theo hướng dọc.
- Độ bền xé vải đũi theo hướng dọc tăng tỷ lệ thuận với mức độ tăng độ mảnh sợi ngang.
- Độ co sau giặt cũng thay đổi khi mật độ thay đổi, co dọc ít, giãn ngang tăng dần. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học nhằm lựa chọn độ mảnh sợi ngang phù hợp để sản xuất vải đũi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
e. Năm tốt nghiệp: 2016
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).