a. Tên luận văn: Nghiên cứu các tính chất phi cổ điển của trạng thái thêm hai và bớt một photon lên hai mode kết hợp
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Minh Nhân
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Bến Cát
đ. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu các tính chất phi cổ điển bậc thấp và bậc cao đó là nén tổng và nén hiệu hai mode, tính chất phản kết chùm hai mode, tính đan rối và sự vi phạm bất đẳng thức Cauchy-Schwarz của trạng thái thêm hai và bớt một photon lên hai mode kết hợp.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Nghiên cứu các trạng thái phi cổ điển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng độ chính xác của các phép đo và làm cơ sở để nghiên cứu và áp dụng vào các lĩnh vực như: lý thuyết chất rắn, quang lượng tử, thông tin lượng tử và máy tính lượng tử. Do đó, các tính chất phi cổ điển của các trạng thái cho trước rất được các nhà khoa học quan tâm.
Thêm và bớt photon vào một trạng thái vật lý là một phương pháp quan trọng để tạo ra một trạng thái phi cổ điển mới, nghiên cứu các tính chất này đã mở ra các ứng dụng có ít trong cuộc sống, trong khoa học kỹ thuật. Áp dụng các trạng thái mới này vào thực nghiệm giúp chúng ta tạo ra các thiết bị quang học, điện tử có tính ứng dụng cao. Vấn đề này đã được nhiều nhà khoa học đề cập đến, tuy nhiên việc nghiên cứu các tính chất phi cổ điển của trạng thái thêm hai bớt một Photon lên trạng thái hai mode kết hợp vẫn chưa được đề cập đến. Từ đó, tác giả Nguyễn Minh Nhân đã chọn đề tài “Nghiên cứu các tính chất phi cổ điển của trạng thái thêm hai và bớt một Photon lên hai mode kết hợp” làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ cho mình.
Mục tiêu là nghiên cứu các tính chất phi cổ điển bậc thấp và bậc cao đó là nén tổng và nén hiệu hai mode, tính chất phản kết chùm hai mode, tính đan rối và sự vi phạm bất đẳng thức Cauchy - Schwarz của trạng thái thêm hai bớt một Photon lên hai mode kết hợp.
Tác giả tiến hành tổng quan về các kiến thức làm cơ sở lý thuyết như trạng thái kết hợp, các tính chất phi cổ điển như nén tổng - nén hiệu, tính chất phản kết chùm hai mode và sự vi phạm bất đẳng thức Cauchy - Schwarz. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày tiêu chuẩn tồn tại tính chất phản ánh kết chùm hai mode, sự vi phạm bất đẳng thức Cauchy - Schwarz, các tiêu chuẩn đan rối Hillery - Zubairy và tiêu chuẩn đan rối Hyunchul Nha - Jeawan Kim một cách khá rõ ràng.
Khảo sát tính nén tổng và nén hiệu hai mode của trạng thái thêm hai mode và bớt một Photon lên hai mode kết hợp và trạng thái hai mode kết hợp thêm hai Photon. Kết quả cho thấy, trạng thái thêm hai và bớt một Photon lên hai mode kết hợp thể hiện tính nén tổng và nén hiệu hai mode mạnh hơn trạng thái hai mode kết hợp thêm hai Photon. Như vậy việc đồng thời thêm và bớt Photon vào trạng thái làm cho tính nén tổng và nén hiệu hai mode thể hiện mạnh hơn.
Từ các đồ thị khảo sát trạng thái thêm hai và bớt một Photon lên hai mode kết hợp và trạng thái hai mode kết hợp thêm hai Photon cho thấy, việc thêm và bớt Photon vào trạng thái kết hợp đã làm cho các tính chất phi cổ điển thể hiện mạnh hơn…
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả nhận thấy trạng thái thêm hai và bớt một Photon lên mode kết hợp là một trạng thái có tính chất phi cổ điển khá mạnh. Ngoài ra, trạng thái này còn bị rối hoàn toàn theo các tiêu chuẩn đan rối Hillery - Zubairy và tiêu chuẩn đan rối Hyunchul Nha - Jeawan Kim.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).