a. Tên luận văn: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ nuôi heo chuồng lạnh với loại hình trang trại tại tỉnh Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Dương Đình Linh
c. Tên đơn vị công tác: Trường trung cấp Nông lâm nghiệp tỉnh Bình Dương
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Thịt heo gần như là loại thực phẩm được tiêu thụ và sử dụng nhiều trong các bữa ăn hàng ngày tại các gia đình Việt Nam, bằng chứng là 73,3% cơ cấu tiêu thụ thịt của người Việt là thịt heo, 17,5% là thịt gia cầm và 9,2% là thịt đỏ (theo khảo sát gần nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO). Chính vì thế, nhu cầu tìm mua thịt heo sạch, an toàn chất lượng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thực phẩm không an toàn, thực phẩm có chứa các hóa chất có hại đang tràn lan trên thị trường như hiện nay.
Bên cạnh đó, năng suất chăn nuôi của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước khác trên thế giới, giá thành chăn nuôi nước ta đang cao hơn gần 20% so với các nước khác do phải nhập nguyên liệu thức ăn. Chính vì vậy, việc cải thiện năng suất chăn nuôi cũng là một vấn đề mang tính cấp bách đặt ra cho ngành chăn nuôi trong nước. Do đó, ngành chăn nuôi cần phải áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi heo, lựa chọn các mô hình chăn nuôi thích hợp cho từng vùng, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Dương.
Với mục tiêu phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ nuôi heo chuồng lạnh với loại hình trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể: Tìm hiểu thực trạng chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phân tích ưu, nhược điểm của 2 mô hình nuôi heo: chuồng hở và chuồng lạnh, nghiên cứu một số nhân tố cơ bản mang tính quyết định đến việc áp dụng công nghệ vào nuôi heo chuồng lạnh với quy mô lớn và đề xuất giải pháp phát triển mô hình chăn nuôi heo chuồng lạnh, tác giả đã tiến hành nghiên cứu một số mô hình trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Dương, kết quả cho thấy:
Chăn nuôi heo của nước ta phát triển tốt do giá heo hơi có xu hướng ổn định cho người chăn nuôi. Theo số liệu điều tra của Tổng cục thống kê, cả nước có khoảng 27,75 triệu con, tăng 3,7%, trong đó heo nái có 4,06 triệu con, tăng 3,69% so với cùng kỳ 2014. Thị trường về thịt heo là rất lớn kể cả nội địa cũng như xuất khẩu, chính vì thế quy mô chăn nuôi trong những năm gần đây liên tục tăng. Cụ thể, năm 2014 so với 2013 tăng 497.168 con tương ứng tỷ lệ 101,89%, sản lượng thịt xuất chuồng tăng 122,405 tấn (tăng 103,79%). Năm 2015 so với 2014 tăng 989,434 con tương ứng tỷ lệ 103,7%, sản lượng thịt xuất chuồng tăng 140,559 tấn (tăng 104,19%). Theo USDA, năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Việt Nam vào khoảng 2,245 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2013. Sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2014 dự kiến ở mức 2,26 triệu USD, đảm bảo cho Việt Nam xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn thịt heo.
Tại Bình Dương, tại thời điểm khảo sát trên địa bàn tỉnh có 440 trại chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 457.000 con; trong đó có 293 trại chăn nuôi gia công, 147 trang trại tư nhân. Đối với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn tỉnh có gần 3.160 hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 94.000 con. Ở các huyện thị như Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo có diện tích đất rộng, lại xa khu dân cư, giao thông thuận tiện, thích hợp để mở trang trại chăn nuôi mà không lo gây ô nhiễm môi trường hay lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, Bình Dương là một tỉnh công nghiệp phát triển, lại nằm sát TP. Hồ Chí Minh, nên có đầu ra thị trường tốt. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn lỗ là do giá bán ra của trang trại thấp, nhưng qua nhiều khâu trung gian và khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì giá đội lên cao. Tình hình này kéo dài khiến người chăn nuôi giảm quy mô chuồng trại hoặc “treo chuồng” để cắt lỗ, còn người tiêu dùng thì chuyển sang dùng sản phẩm khác, khiến ngành chăn nuôi vốn đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn.
Qua đó, tác giả đã tiến hành phân tích và đánh giá kết quả chuồng lạnh và chuồng hở cho thấy, Trong quá trình chăn nuôi heo, nhiều chi phí được sử dụng như: chi phí thức ăn, chi phí con giống, chi phí nhân công, chi phí khấu hao, chi phí điện nước, chi phí xử lý chất thải, chi phí thuốc thú y,… Trong các loại chi phí đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu là chi phí thức ăn, chiếm khoảng 70% trong tổng chi phí chăn nuôi.
Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi chủ yếu là nhập khẩu nên chi phí cao, gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của các trang trại. Phần chi phí thức ăn của trại hở cao hơn so với trại lạnh là do thứ nhất tại các trại lạnh thường số lượng cám mua một lần với số lượng lớn nên được chiết khấu nhiều hơn, thứ hai là hệ thống máng ăn ở trại lạnh được trang bị khoa học hơn nên phần thức ăn rơi vãi được hạn chế, thứ ba do có hệ thống làm mát nên chăn nuôi theo kiểu chuồng kín ít hao tốn thức ăn hơn kiểu chuồng hở.
Chi phí con giống tại trại lạnh thấp hơn so với trại hở; chi phí thú y của trại lạnh thấp hơn trại hở do trại lạnh có hệ thống khép kín nên vấn đề dịch bệnh được hạn chế; chi phí tiền điện nước của trại lạnh bình quân cao hơn trại hở là 2.033 đồng/con. Bên cạnh các chi phí khả biến nêu trên còn phát sinh thêm chi phí cố định: chi phí cố định như chi phí xây dựng chuồng trại, chi phí xây dựng hệ thống điện nước, máng ăn, hệ thống xử lý chất thải…
Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng, do chuồng lạnh có hệ thống làm mát và được áp dụng quy trình chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên tiết kiệm thức ăn chăn nuôi, vật nuôi cho năng suất cao và tỷ lệ chết thấp. Như thế chăn nuôi heo theo kiểu chuồng lạnh cho năng suất cao hơn kiểu chuồng hở. Ngoài ra, kiểu chuồng lạnh giúp bảo vệ môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và đây là một trong những khó khăn lớn nhất của chủ hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, các siêu thị, công ty thực phẩm và người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên các trang trại chăn nuôi theo kiểu chuồng lạnh sẽ chiếm ưu thế và hướng đến thị trường khu vực và trên thế giới, do tuân theo các tiêu chuẩn an toàn, năng suất cao, giá thành thấp mới có thể tiếp cận với yêu cầu khắt khe của thị trường bên ngoài.
Qua phân tích hiệu quả của mô hình nuôi heo chuồng lạnh và chuồng hở thì năng suất bình heo bình quân trại lạnh với trại hở cao hơn 3,9 kg/con, tương ứng tăng 3,98%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của trại lạnh cũng cao hơn so với trại hở là 0,02 lần tương ứng 15,85%. Đồng thời tỷ suất doanh thu/chi phí của trại lạnh cũng lớn hơn trại hở 0,04 lần tương ứng 3,04%. Bên cạnh đó, đề tài cũng phân tích khó khăn, thuận lợi, thách thức và cơ hội khi chủ hộ quyết định áp dụng công nghệ nuôi heo chuồng lạnh với loại hình trang trại để chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất…
Thông qua việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ nuôi heo chuồng lạnh với loại hình trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Dương và từ kết quả chạy mô hình định lượng là cơ sở để tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
- Việc chuyển từ mô hình trại hở sang mô hình trại lạnh, nếu là mô hình trại lạnh tư nhân thì các hộ cần tự kiểm soát và tự điều hành và Nhà nước hỗ trợ về thị trường. Nếu là mô hình trại lạnh gia công, do đầu ra ổn định nên không quyết định năng suất, lợi nhuận, nếu cứ tiếp như vậy một lúc nào đó sẽ bị lệ thuộc vào những công ty chăn nuôi;
- Ngân hàng cần hỗ trợ cho chủ hộ vay dài hạn, hình thức trả nợ là trả góp và lãi suất tính theo số dư giảm dần để giảm áp lực việc thanh toán nợ của chủ hộ;
- Việc đào tạo hay tập huấn kỹ thuật về nuôi dưỡng và quản lý, sử dụng thức ăn, các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, phòng và trị bệnh cho heo trong các khu trại chăn nuôi công nghiệp tập trung, kỹ thuật sử dụng một số thiết bị chuyên dụng và tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch, xử lý vệ sinh thú y là hết sức cần thiết.
- Cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) giúp người chăn nuôi được tiếp cận với những con giống tốt cho năng suất, chất lượng cao.
- Nhà nước cần có những biện pháp giảm các loại chi phí, đặc biệt là chi phí thức ăn chiếm đến 70% trong tổng chi phí. Vì nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc chủ yếu là nhập khẩu nên nhà nước giảm chi phí thức ăn bằng cách giảm thuế nhập khẩu.
- Người chăn nuôi nên đầu tư xây dựng hệ thống Biogas để tạo ra điện, điều này vừa tiết kiệm được chi phí nhiên liệu vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời xung quanh trại nên tận dụng diện tích đất nông nghiệp và phân thải ra để trồng những loại cây ăn trái như mít, bưởi, cam,…
Như vậy, với quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình trại lạnh đã khắc phục được những nhược điểm của mô hình trại hở. Với mô hình này chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn nhưng nếu xét về hiệu quả chăn nuôi và tính bền vững trong tương lai thì hơn hẳn mô hình trại hở. Việc quyết định áp dụng công nghệ nuôi heo chuồng lạnh với loại hình trang trại của chủ hộ chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng, ngoài nhân tố liên quan đến vốn đầu tư còn có nhân tố đặc biệt quan trọng đó là nguồn nhân lực cụ thể là trình độ văn hóa, kiến thức nông nghiệp và khả năng liên kết để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiêu thụ đàn heo qua mỗi lứa xuất chuồng.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).