a. Tên nhiệm vụ: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất vườn hiệu quả và phù hợp theo hướng nông nghiệp đô thị tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS Bùi Xuân Khôi và cá nhân tham gia thực hiện:
1. ThS Vũ Mạnh Hà
2. KS Lê Thị Chung
3. KS Lê Thị Vân
4. KS Trần Thị Liên
5. KS Phạm Thị Xuân Diệu
6. KS Nguyễn Đăng Khoa
7. Phan Lâm Lý
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Mục tiêu chung: Nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho cư dân sản xuất vườn rau ở vùng ven và vùng nằm trong tiến trình đô thị hóa ở huyện Bàu Bàng
- Mục tiêu cụ thể:
+ Nắm bắt được những tồn tại và thách thức chủ yếu trong sản xuất rau ở các vùng ven và vùng nằm trong tiến trình đô thị hóa qua khảo sát nhanh, từ đó đề xuất biện pháp giải quyết hiệu quả và khả thi
+ Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất rau ăn lá cho cán bộ kỹ thuật và nhà vườn trên địa bàn huyện Bàu Bàng thông qua tập huấn, tham quan học tập và hội thảo đầu bờ
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Dự án cho TS. Bùi Xuân Khôi làm chủ đã triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho cư dân sản xuất vườn rau ở vùng ven và vùng nằm trong tiến trình đô thị hóa ở huyện Bàu Bàng. Cụ thể:
- Nắm bắt được những tồn tại và thách thức chủ yếu trong sản xuất rau ở các vùng ven và vùng nằm trong tiến trình đô thị hóa qua khảo sát nhanh, từ đó đề xuất biện pháp giải quyết hiệu quả và khả thi.
- Mô hình sản xuất rau ăn lá trong nhà lưới kín qui mô 2.000 m2, được cấp giấy chứng nhận VietGAP, năng suất tăng hơn > 30% và hiệu quả kinh tế tăng >20% đảm bảo an toàn so với sản xuất ngoài nhà lưới;
- Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất rau ăn lá cho cán bộ kỹ thuật và nhà vườn trên địa bàn huyện Bàu Bàng thông qua tập huấn, tham quan học tập và hội thảo đầu bờ.
Theo đó, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát bằng phiếu chọn điểm mô hình để chọn được các nhà vườn sản xuất rau theo đúng yêu cầu của dự án. Hộ được chọn tham gia thực hiện mô hình đáp ứng được các yêu cầu sản xuất rau trong nhà lưới, vườn rau sinh trưởng đồng đều, điều kiện canh tác phù hợp. Chủ vườn nhiệt tình, có hiểu biết, sẵn sàng tham gia mô hình, có tinh thần hợp tác tốt, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn của cán bộ dự án, có khả năng đối ứng vốn và công lao động.
Kết quả cho thấy, Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bàu Bàng đến năm 2025 phân vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương. Loại hình nông nghiệp tùy theo đặc điểm riêng của từng vùng. Nhằm mục tiêu nông nghiệp sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao.
Thực tế, do quy hoạch phát triển đô thị để đảm bảo quỹ đất ở đến năm 2030 cho dân số đô thị khoảng 120 nghìn dân, quỹ đất sản xuất nông nghiệp ở Bàu Bàng đang dần bị thu hẹp lại. Việc sản xuất rau còn manh mún, tự phát, sản xuất rau trong nhà lưới còn chưa phổ biến và chưa được đầu tư đầy đủ. Quy mô sản xuất còn khá nhỏ, cụ thể có 68,6% số hộ được điều tra có diện tích sản xuất rau <400m2, diện tích sản xuất từ 400 đến <1.000m2 có 14,3% số hộ và >1.000m2 có 17,1%
Như vậy, việc sản xuất rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Bàu Bàng là phù hợp với quy hoạch của địa phương và của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả điều tra khảo sát cho thấy một số vườn rau (8,6%) hiện đang toạ lạc lân cận với khu vực nghĩa trang/khu công nghiệp, điều này là một trong những nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh sản phẩm
Việc đánh giá hay phân tích và biện pháp hạn chế các mối nguy gây ảnh hưởng đến độ an toàn của sản phẩm rau chưa được nhà vườn quan tâm. Kết quả điều tra ghi nhận có 100,0% số hộ được điều tra chưa thực hiện việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học và sinh học từ các hoạt động trước đó và từ các khu vực xung quanh. Các hộ cũng chưa có các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm
Theo kết quả điều tra ghi nhận, không có hộ nào tái sử dụng nguồn nước thải để tưới rau cũng như không có sử dụng hoá chất để xử lý đất và nước tưới. Tuy nhiên, không có hộ nào sử dụng nước đạt yêu cầu chất lượng nước sinh hoạt để rửa rau trước khi bán hoặc không sử dụng nước sau thu hoạch và 8,6% số hộ được điều tra có phân tích mẫu đất, nước hoặc sản phẩm nhưng không có hộ nào lưu kết quả phân tích cũng như phương pháp phân tích và việc phân tích mẫu hầu hết là do cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện ngẫu nhiên cho các hộ trên để giám sát tình hình sản xuất rau của nhà vườn trong khu vực
Vấn đề quản lý rác thải và chất thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt cũng đã được nhiều nhà vườn sản xuất rau chú trọng (40%), do quá trình đô thị hóa nên hệ thống thu gom rác thải ở địa phương hoạt động tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ (60,0%) chưa thực hiện thu gom rác thải trên vườn (vỏ thuốc BVTV/phân bón lá, tàn dư thực vật) theo đúng quy định. Các hộ này để rác thải tồn đọng trong vườn sản xuất hoặc bỏ chung với rác thải sinh hoạt khác…
Sau thời gian Dự án triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn rõ rệt so với sản xuất ngoài trời và trong nhà lưới hở. Sản phẩm rau của dự án sẽ cung cấp nguồn rau đạt chất lượng và an toàn tại chỗ cho người dân địa phương góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đây là khu vực đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp. Diện tích cũng như sản lượng rau của huyện Bàu bàng chỉ cung cấp được phần nhỏ nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng do đó việc duy trì cũng như mở rộng diện tích rau VietGAP sẽ rất khả thi.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 12/2017
- Thời gian kết thúc: 09/2019
f. Kinh phí thực hiện: 1.365.787.500 đồng (trong đó, từ NSNN: 883.534.900 đồng)
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).