a. Tên nhiệm vụ: Công tác quản lý đô thị ở Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS Trương Hoàng Trương và cá nhân tham gia chính:
1. ThS Nguyễn Văn San
2. ThS Lê Vy Hảo
3. ThS Nguyễn Quang Giải
4. CN. Nguyễn Thị Xuân Trúc
5. CN Nguyễn Như Khánh
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
1/ Xác định những vấn đề lý luận cơ bản về đô thị và công tác quản lý đô thị, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lý đô thị
2/ Nhu cầu công tác quản lý đô thị của tỉnh Bình Dương hiện nay
3/ Tình hình công tác quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương
4/ Đề xuất giải pháp, kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương
đ/ Kết quả thực hiện nhiệm vụ tóm tắt:
Quản lý đô thị là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, vì vị trí quan trọng của đô thị trong chiều hướng phát triển của con người. Quản lý đô thị tốt là chìa khóa làm tăng chất lượng của người sống trong đô thị và cả trong vùng nông thôn.
Bình Dương hiện không ngừng phát triển và cấu trúc đô thị cũng có những thay đổi sâu sắc. Nhiều dự án, chương trình phát triển đô thị đã, đang và sẽ được triển khai, đem đến nhiều cơ hội song cũng nhiều thách thức đặt ra cho đô thị Bình Dương. Với chức năng kiểm tra và giám sát về mặt nhà nước đối với quá trình đô thị hóa, công tác quản lý đô thị là hoạt động hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong đảm bảo trật tự đô thị là một nội dung quan trọng đảm bảo quản lý đô thị được hiệu quả.
Tuy nhiên, công việc quản lý đô thị nhiều năm qua chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều vấn đề liên quan như quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng kiến trúc, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý nhà ở, quản lý dịch vụ đô thị và quản lý kinh tế đô thị… đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý đô thị, đòi hỏi nâng cao năng lực các cán bộ quản lý đô thị để bộ máy quản lý đô thị của thành phố giải quyết các vấn đề còn tồn động. Vấn đề quản lý đô thị và công tác quản lý cũng chỉ đề cập đến trong các báo cáo của chính quyền, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả, những bất cập chưa có những đánh giá cụ thể. Đề tài cấp trường của TS.Trương Hoàng Trương bước đầu nhận diện những nội dung nổi bậc nhất là cơ sở cho việc đánh giá, nghiên cứu về chủ đề này trong tương lai.
Mục tiêu đề tài xác định những vấn đề lý luận cơ bản về đô thị và công tác quản lý đô thị, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lý đô thị; nhu cầu công tác quản lý đô thị của tỉnh Bình Dương hiện nay; tình hình công tác quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đề xuất giải pháp, kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Sau khi nghiên cứu, tác giả nhận thấy nhiều giải pháp cần đặt ra để hướng tới việc nâng cao năng lực quản lý của các bên liên quan, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể: Tạo ra chương trình học chuyên ngành về quản lý đô thị giúp cho cán bộ quản lý thuộc các chuyên ngành khác nhau có thể phối hợp đồng bộ trong quản lý; cần có cơ quan chuyên môn đảm nhận trách nhiệm quản lý quy hoạch để giám sát, kiểm tra, và đánh giá thực hiện quy hoạch; công tác quản lý xây dựng và kiến trúc cần đưa ra quy chế trong việc phát triển đô thị trên địa bàn, đảm bảo xây dựng công trình không trái phép, đảm bảo kiến trúc đa dạng và cảnh quan hài hòa cho địa bàn. Xúc tiến xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn thông qua nhiều cơ chế gọi vốn khác nhau, giải quyết nỗi bức xúc của người dân gặp vấn đề về giải tỏa thông qua cơ chế của thị trường, để chủ đầu tư và người dân thương thảo về việc bồi thường; công tác quản lý đất đai cần xem xét cải tiến các thủ tục sử dụng đất, xác minh căn cước, có biện pháp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gây mất trật tự, lấn chiếm, biến dạng mục đích sử dụng đất.
Có biện pháp chủ động trong việc xác minh thành phần dân cư, cải thiện tình trạng nhập cư nội địa không kiểm soát, giúp cho người nhập cư tiếp cận được các phúc lợi xã hội dễ dàng hơn, tăng cường năng lực, trình độ của thành phần dân cư; tạo cơ chế cho sự tham gia của người dân vào việc giám sát, quản lý đô thị; về quản lý hạ tầng kỹ thuật, cần đồng bộ việc phát triển cơ sở hạ tầng thông qua việc quy định xây dựng cơ sở hạ tầng trước rồi mới làm các công trình xây dựng sau; Có các chương trình, thúc tiến sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc tinh thần trong giáo dục, cải thiện chất lượng quản lý y tế, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được đề cập và giải quyết, tuy nhiên phần nào đó, đề tài đã khơi mở một số việc cần phải làm trước mắt cho công tác quản lý đô thị ở Bình Dương. Mà chỉ khi đạt được những yêu cầu đó, thì đô thị Bình Dương mới có khả năng trở thành một thành phố đáng sống trong tương lai.
Đề tài đã đánh giá thực trạng công tác quản lý đô thị tại Bình Dương trên các lĩnh vực của đô thị từ tổ chức quản lý đô thị, các thành phần trong công tác quản lý đô thị từ quản lý quy hoạch - kiến trúc, quản lý môi trường đô thị đến các vấn đề quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị. Đề tài cũng phân tích vấn đề quan lý đô thị từ góc độ người dân về công tác này, theo đó nêu ra điểm hạn chế, bất cập cần hoàn thiện ở nhiều hạng mục của công tác quản lý đô thị. Do đó, công tác quản lý đô thị ở Bình Dương được đánh giá từ nhiều góc độ nhằm phản ảnh thực tế khách quan trong công tác quản lý đô thị.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 08/2016
- Thời gian kết thúc: 08/2017
g/ Kinh phí thực hiện: 98.969.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).