a. Tên nhiệm vụ: Hướng tới một thành phố sống tốt: Đánh giá chất lượng sống dân cư và xây dựng bộ chỉ số sống tốt tại Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Việt Đức
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Tiến sĩ Phạm Thái Sơn và cá nhân tham gia thực hiện:
1. Thạc sĩ Đoàn Trúc Quỳnh
2. Tiến sĩ Hà Thúc Viên
3. Tiến sĩ Trương Hoàng Trương
4. Tiến sĩ Nguyễn Việt Long
5. Thạc sĩ Hứa Trần Minh Trí
6. Thạc sĩ Trần Khắc Minh
7. Cử nhân Nguyễn Văn Phong
8. Cử nhân Vũ Ngọc Thành
9. Thạc sĩ Huỳnh Đình Thái Linh
d. Mục tiêu nghiên cứu: nghiên cứu quá trình phát triển đô thị gắn liền với công nghiệp hóa tại Bình Dương nhằm có được cơ sở đề ra giải pháp cho công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị của Bình Dương trong thời gian tới trên quan điểm lý thuyết về “thành phố sống tốt”
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Giới thiệu cơ sở lý thuyết về “thành phố sống tốt”; nghiên cứu và tổng kết chính sách phát triển kinh tế nói chung, chính sách phát triển đô thị nói riêng của Bình Dương kể từ sau khi thành lập tỉnh; tổng kết quá trình phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đánh giá chất lượng sống dân cư đô thị; xây dựng bộ chỉ số theo dõi phát triển đô thị hướng tới các tiêu chuẩn về sống tốt cho người dân sinh sống trong khu vực đô thị tại tỉnh; dự báo biến chuyển liên quan tới quá trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất các giải pháp để thoàn thiện bộ tiêu chí thành phố sống tốt của Bình Dương; đề xuất chi tiết các giải pháp phát triển đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt cho Bình Dương.
Trong phần cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đã giới thiệu các khái niệm, lý thuyết liên quan đến “thành phố sống tốt”, chất lượng cuộc sống trong mối tương quan với phát triển đô thị, chất lượng sống dân cư đô thị và mối liên hệ với tháp nhu cầu Maslow, kinh nghiệm quốc tế, trong nước và thực tiễn trong việc xây dựng thành phố sống tốt, bảng xếp hạng thành phố sống tốt (mục tiêu, nội dung và các chỉ số hợp phần của bảng xếp hạng)… Trong phần này, nhóm nghiên cứu đã có được định nghĩa thành phố sống tốt áp dụng trong đề tài, đây sẽ là định nghĩa cơ sở để nhóm nghiên cứu hình thành lên khung phân tích chất lượng sống dân cư bao gồm 6 nhóm yếu tốt trong phần tiếp theo của đề tài. Đồng thời, các tổng kết lý luận và thực tiễn cũng chỉ rõ trong rất nhiều trường hợp các địa phương, thành phố có định hướng phát triển hướng tới mục tiêu sống tốt đều sử dụng những bộ tiêu chí số định lượng nhất định nhằm đo lường, theo dõi và cập nhật mức độ phát triển của địa phương, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế phát triển.
Để đánh giá thực tế phát triển gắn liền với những thay đổi điều kiện sống dân cư đô thị, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một khung phân tích gồm sáu khía cạnh khác nhau nhằm đánh giá chất lượng sống dân cư: Nhà ở; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; an toàn/an ninh; công việc, thu nhập và hoạt động kinh tế của người dân; điều kiện môi trường, sinh thái; các hoạt động cộng đồng và sự tham gia của người dân ở địa phương. Kết quả phân tích cho thấy nhiều sự khác biệt nổi bật nổi bật liên quan đến điều kiện sống giữa cácđịa bàn và các nhóm dân cư khác nhau của Bình Dương, đồng thời chỉ ra được đánh giá, xếp hạng, cảm nhận và nhu cầu của người dân đối với những yếu tố liên quan tới chất lượng sống.
Từ phân tích thực trạng phát triển đô thị tại Bình Dương, đánh giá chất lượng sống và nhu cầu xây dựng thành phố sống tốt tại Bình Dương, đề tài tiến hành xây dựng bộ chỉ số “thành phố sống tốt” tại Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ các cơ quan quản lý đô thị theo dõi tiến trình phát triển của các khu vực đô thị trong tỉnh hướng tới mục tiêu trở thành nơi chốn sống tốt trong tương lai. Một điểm đáng lưu ý là một số tiêu chí dường như chưa áp dụng ngay được trong bối cảnh của Bình Dương, đặc biệt là với các tiêu chí định lượng, tuy nhiên vì sự cần thiết của các chỉ số đó trong việc theo dõi chất lượng sống dân cư và mức độ sống tốt của địa phương, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đề xuất 7 nhóm với 54 chỉ số để các cơ quan quản lý tham khảo.
e. Thời gian nghiên cứu: 15 tháng
- Thời gian bắt đầu: 11/2016
- Thời gian kết thúc: 4/2018
f. Kinh phí thực hiện: 586.371.975 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)