a. Tên nhiệm vụ: Kinh tế Đông Nam bộ từ thế lỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX
b. Đơn vị chủ trì: Khoa Sử - Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Phan Thị Lý
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Đề tài làm rõ tình hình kinh tế Đông Nam Bộ trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế lỷ XIX, bao gồm quá trình khai phá đất đai, tình hình sở hữu và canh tác ruộng đất, sự hình thành và phát triển của các nghề thủ công, điều kiện phát triển và tình hình kinh tế thương nghiệp
- Phân tích các đặc điểm của kinh tế Đông Nam bộ trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX, khái quát những ảnh hưởng của đặc điểm kinh tế này đến sự phát triển của vùng trong các thời kỳ lịch sử sau đó.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Đề tài do Thạc sĩ Phan Thị Lý, trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện với mục tiêu làm rõ tình hình kinh tế Đông Nam bộ trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX, bao gồm quá trình khai phá đất đai, tình hình sở hữu và canh tác ruộng đất, sự hình thành và phát triển của các nghề thủ công, điều kiện phát triển và tình hình kinh tế thương nghiệp. Đồng thời, phân tích các đặc điểm của kinh tế Đông Nam bộ trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX, khái quát những ảnh hưởng của đặc điểm kinh tế này đến sự phát triển của vùng trong các thời kỳ lịch sử sau đó.
Sau 15 tháng thực hiện, đề tài tiến hành nghiên cứu những điều kiện để phát triển kinh tế Đông Nam bộ, khái quát những điều kiện về địa lý, tự nhiên, điều kiện về cộng đồng dân cư, điều kiện về bối cảnh lịch sử đã có tác động đến sự phát triển kinh tế và hình thành những đặc điểm kinh tế của vùng trong giai đoạn này; về kinh tế nông nghiệp, phân tích quá trình khai hoang, đặc điểm sở hữu đất đai và canh tác nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó khái quát thành những đánh giá về tình hình kinh tế nông nghiệp Đông Nam bộ trong giai đoạn nghiên cứu; về kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp, phân tích những điều kiện phát triển, tình hình, đặc điểm của kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đồng thời, đánh giá tác động của kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp của Đông Nam bộ trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX.
Qua nghiên cứu những điều kiện để phát triển kinh tế Đông Nam bộ cho thấy, đây là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, là nơi có nhiều thành phần dân tộc đến định cư trong bối cảnh đất hoang còn rộng rãi nền quá trình khai phá đất đai ít xảy ra những xung đột tộc người. Bên canh đó, nhà nước quan tâm quan khuyến khích khai hoang và có những chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển, kết nối Đông Nam bộ với khu vực và thế giới trong bối cảnh quốc tế cũng thúc đẩy các hoạt động giao thương… Những điều kiện thuận lợi đó đã được các cộng đồng dân cư ở Đông Nam bộ tận dụng, đồng thời với sự nỗ lực không ngừng nhằm khắc phục những bất lợi của vùng đất mới, trong hơn hai thế kỷ, kinh tế vùng Đông Nam bộ đã thể hiện sự đa dạng, khả năng phát triển năng động, tự thân và vững chắc.
Kết quả nghiên cứu kinh tế nông nghiệp cho thấy, quá trình khai khẩn đất đai được xúc tiến liên tục, diện tích đất đai không ngừng được mở rộng. Trên cơ sở thành quả của cư dân trong vùng, nhà nước phong kiến đã từng bước xác lập chủ quyền, tổ chức quản lý phù hợp với thực tế lịch sử. Trong quá trình đó, vùng Đông Nam bộ vừa đóng vai trò trung tâm chính trị của cả vùng, vừa là cầu nối thúc đầy quá trình khẩn hoang, phát triển kinh tế ở vùng Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, hoạt động thủy lợi và canh tác đất đai đã hình thành một nền nông nghiệp đa dạng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Là một vùng đa dạng về đất đai, Đông Nam bộ sớm có nền nông nghiệp đa dạng với nhiều loại cây trồng tương ứng với mỗi loại đất. Bên cạnh cây lúa được trồng trên phần lớn diện tích ruộng đất gần nguồn nước, Đông Nam bộ cũng hình thành những vùng chuyên canh cây hoa màu và cây trồng cung cấp sản phẩm cho nghề thủ công.
Cùng với quá trình khẩn hoang và phát triển kinh tế nông nghiệp, ở Đông Nam bộ, trong giai đoạn nghiên cứu kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng hình thành và phát triển với những đặc điểm nổi bật, kinh tế thủ công nghiệp được hình thành trên cơ sở những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tương đối thuận lợi với nguồn loại tự nhiên dồi dào, nhu cầu sản phẩm thủ công không ngừng gia tăng và sự quy tụ của lực lượng thợ thủ công người Việt, người Hoa. Và đã hình thành hai bộ phận thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp dân gian; kinh tế thương nghiệp cũng được hình thành, hoạt động nội thương diễn ra theo hai loại hình là chợ và trung tâm giao thương. Thông qua các trung tâm giao thương, Đông Nam bộ đã kết nối buôn bán với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Phương Tây. Trong quá trình phát triển, thương nghiệp Đông Nam bộ đã góp phần thúc đầy quá trình khẩn hoang, sự phát triển của nông nghiệp, thủ công nghiệp, tăng cường sự gắn kết của các cộng đồng dân cư và định hình mô hình phát triển của Đông Nam bộ.
Việc nghiên cứu về kinh tế Đông Nam bộ trong giai đoạn này có ý nghĩa khoa học và thực tiến rất lớn. Về khoa học, thông qua việc tổng hợp tư liệu, phân tích làm rõ về tình hình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp…; làm rõ những chính sách kinh tế, những biểu hiện trong tình hình kinh tế Đông Nam bộ trong giai đoạn này góp phần làm rõ và lý giải hiện trạng kinh tế Việt Nam trước khi thực dân Pháp xâm lược. Về thực tiễn, lịch sử phát triển của vùng này mang một số đặc điểm riêng như kinh tế hàng hóa có điều kiện để duy trì lâu dài và có tác động lên mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội. Đồng thời, trong mối quan hệ với các vùng miền khác, từ rất sớm Đông Nam bộ đã đóng vai trò kết nối các vùng khác, là tâm điểm cho sự phát triển của Đông Nam bộ và khu vực phía Nam.
e. Thời gian nghiên cứu: 18 tháng
- Thời gian bắt đầu: 09/2016
- Thời gian kết thúc: 3/2018
f. Kinh phí thực hiện: 40.318.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).