a. Tên nhiệm vụ: Lịch sử Báo chí Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS Huỳnh Ngọc Đáng và cá nhân tham gia thực hiện:
1. Nghiên cứu sinh Huỳnh Tâm Sáng
2. Cử nhân Lê Cảnh Hưởng
3. Cử nhân Đỗ Thị Thanh
4. Cử nhân Văn Thị Thùy Trang
d. Mục tiêu nghiên cứu: Biên soạn một công trình khoa học về sự ra đời, quá trình đấu tranh tồn tại và phát triển của Báo chí Thủ Dầu Một - Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử. Công trình sẽ tập hợp, tra cứu tư liệu, sưu tầm nhân chứng, lịch sử, ghi chép hệ thống thành bộ lịch sử Báo chí Thủ Dầu Một - Bình Dương. Sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành, nhóm nghiên cứu đề tài sẽ chuyển giao cho Hội Nhà báo Bình Dương, Báo Bình Dương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy... Đây sẽ là tài liệu hữu ích để giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức về nghề làm báo Bình Dương.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Năm 1937 tờ báo Tranh đấu của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra đời và tích cực hoạt động, đánh dấu sự hình thành báo chí Thủ Dầu Một - Bình Dương. Từ đó cho đến nay, trong suốt hơn 80 năm, đội ngũ báo chí Bình Dương luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Cả trong hai cuộc kháng chiến và trong đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ báo chí Bình Dương đã có nhiều cống hiến quan trọng với nhiều tấm gương nhà báo cách mạng tiêu biểu.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu tổng quan của chủ đề này cho thấy, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ, hệ thống về lịch sử báo chí Bình Dương. Do vậy công trình nghiên cứu Lịch sử báo chí Bình Dương nhằm tìm hiểu một cách khoa học, hệ thống quá trình hình thành, phát triển của báo chí Bình Dương; các giá trị truyền thống tốt đẹp của đội ngũ những người làm báo địa phương.
Đây là đề tài của TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương thực hiện hình thành bộ lịch sử Báo chí Thủ Dầu Một - Bình Dương từ khi có hoạt động báo chí ở Bình Dương đến năm 2017.
Nội dung đề tài nhằm phục dựng lại bức tranh sinh hoạt báo chí của người dân Thủ Dầu Một (thời Pháp) và Bình Dương (thời chế độ Việt Nam cộng hòa), từ đó phát hiện những tác động của báo chí đến tình cảm, tư tưởng của người dân địa phương dẫn đến nhu cầu hình thành các tổ chức và hoạt động báo chí cách mạng trong hai cuộc kháng chiến.
Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu đã lần lượt đi vào hoạt động của các tờ tin tuyên truyền và các tờ báo cách mạng của Đảng bộ Thủ Dầu Một trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Công trình đã đi sâu về lịch sử và hoạt động của các tờ báo cách mạng nổi tiếng của tỉnh ủy Thủ Dầu Một; phân tích vai trò và tác dụng của nó đối với phong trào kháng chiến, rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng về vai trò và phẩm chất của người làm báo cách mạng trong chiến tranh cách mạng.
Ngoài ra, đề tài cũng đi sâu giới thiệu lịch sử báo chí và hoạt động làm báo, phát thanh truyền hình của địa phương trong tình hình có rất nhiều khó khăn do chế độ bao cấp và hoàn cảnh đất nước phải đối phó với những cơn khủng khoảng về kinh tế và xã hội. Từ đó nêu bật bản lĩnh vững vàng của đội ngũ báo chí địa phương. Nhóm nghiên cứu cố gắng phục dựng được những bước trưởng thành nhảy vọt của báo chí Bình Dương với những chi tiết và sự kiện sinh động trong ngôn ngữ và cách tiếp cận của nghiên cứu lịch sử…
Kết quả đề tài đã bổ sung và góp phần hoàn thiện các công trình khoa học lịch sử về vùng đất - con người Bình Dương qua các thời kỳ, nhất là lịch sử ngành báo chí ở địa phương. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ chứng minh tầm quan trọng bề dày lịch sử của Báo chí Bình Dương trên mặt trận tư tưởng văn hóa cách mạng, góp phần tuyên truyền xây dựng văn hóa mới, con người mới, tạo những động lực sáng tạo và năng động của người Bình Dương trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.
e. Thời gian thực hiện: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu: 07/2017
- Thời gian kết thúc: 07/2018
f. Kinh phí thực hiện: 389.341.050 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)