a. Tên nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng phương pháp dạy trẻ khó học cho giáo viên tiểu học tại thị xã Thuận An
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
c. Chủ nhiệm đề tài: TS Huỳnh Mai Trang và cá nhân tham gia thực hiện:
1. TS Cao Thị Xuân Mỹ
2. ThS Huỳnh Thị Hoàng Oanh
3. CN Nguyễn Thảo Nguyên
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Đào tạo đội ngũ giáo viên (khoảng 30 người) của thị xã Thuận An có kỹ năng phát hiện và can thiệp - hỗ trợ học sinh bị khó học
- Hướng dẫn giáo viên thực hành các phương pháp can thiệp - hỗ trợ học sinh bị khó học tại một số trường tiểu học trên địa bàn thị xã Thuận An
- Đánh giá hiệu quả của các phương pháp trên
đ. Kết quả nghiên cứu: (tóm tắt)
Chứng khó học là một thuật ngữ thông thường dùng để nói về các dạng khuyết tật học tập (Learning Disabilities), hay các rối loạn học tập mang tính chuyên biệt (Specific Learning Disorders). Đó là một nhóm phức hợp những rối loạn gây cản trở nghiêm trọng đến việc học tập của một người và các hoạt động của người đó trong suốt cuộc đời. Chứng khó học là tên gọi chung cho nhiều dạng khó khăn dai dẳng, kéo dài mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập, như là khó khăn về đọc, viết, tính toán, suy luận,... Những trẻ mắc phải dạng khó khăn này có thành tích học tập rất thấp mà nguyên nhân không phải do đần độn hay do khiếm khuyết về giác quan; cũng không phải do những rối nhiễu tâm lý hay do môi trường giáo dục không thuận lợi.
Nếu không được giúp đỡ hoặc can thiệp phù hợp, sự thiếu hụt kỹ năng học tập sẽ ngày càng trầm trọng và có thể những trẻ bình thường này trở thành những học sinh cá biệt, thậm chí bị rối loạn hành vi, chúng phải ở lại lớp nhiều năm và thậm chí không thể tiếp tục học trong nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học cũng là những người gặp nhiều áp lực nhất trước thành tích học tập thấp kém của học sinh. Vậy làm sao để trẻ khó học vẫn được học tốt theo khả năng của chúng? Làm sao giảm bớt mối lo của gia đình đối với việc học và tương lai trẻ? Làm sao giảm áp lực cho giáo viên đứng lớp khi có trẻ khó học trong lớp mình dạy? Đó là những vấn đề mà người làm giáo dục nào cũng luôn băn khoăn.
Đề tài “Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng phương pháp dạy trẻ khó học cho giáo viên tiểu học tại Thị xã Thuận An” hướng tới việc tạo một nguồn hỗ trợ thiết thực cho cả giáo viên và học sinh, bằng cách cung cấp cho giáo viên kiến thức về lĩnh vực khó học và sau đó là hướng dẫn thực hành dạy cho sinh khó học.
Mục tiêu dự án:
- Đào tạo đội ngũ giáo viên (khoảng 30 người) của Thị xã Thuận An có kỹ năng phát hiện và can thiệp - hỗ trợ học sinh bị khó học.
- Hướng dẫn giáo viên thực hành các phương pháp can thiệp-hỗ trợ học sinh bị khó học tại một số trường tiểu học trên địa bàn Thuận An.
- Đánh giá hiệu quả của các phương pháp trên.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Nhận thức về chứng khó học của giáo viên tiểu học tại thị xã Thuận An. Khách thể nghiên cứu: Giáo viên tiểu học và học sinh tiểu học tại Thị xã Thuận An.
Với cách tiếp cận hoạt động, hệ thống - cấu trúc và thực tiễn, tổ hợp các phương pháp để giải quyết các nhiệm vụ của dự án, như: Phương pháp nghiên cứu lý luận; Phương pháp nghiên cứu thực tiễn (điều tra, trắc nghiệm, quan sát, nghiên cứu sản phẩm, hội thảo, nghiên cứu trường hợp) và Phương pháp toán thống kê.
Hình 1. Quy trình xác định chứng khó học ở học sinh
4. Kết quả
Sau hai năm thực hiện, dự án đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ và đạt được 3 mục tiêu đặt ra:
1. Số lượng giáo viên được đào tạo là 43, trong đó, 41 người đã tham dự đầy đủ các khoá tập huấn cũng như thời gian thực hành và được Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh cấp chứng chỉ "Hoàn thành khoá tập huấn Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng phương pháp dạy trẻ khó học". Với số lượng dự kiến ban đầu là từ 30-40, số lượng giáo viên được đào tạo đã vượt chỉ tiêu đặt ra ban đầu.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn của đề tài, hầu hết giáo viên đã tường minh các nguyên nhân gây ra chứng khó học và có những thay đổi rõ rệt trong việc nhận dạng chứng tật này ở học sinh. Họ hiểu và giải thích được một số đặc điểm tâm lý và biểu hiện khó khăn của trẻ khó học. Ngoài ra, giáo viên cũng đã tiếp nhận các chiến lược đặc hiệu cần vận dụng khi dạy trẻ khó học. Điều căn bản nhìn thấy được là nhận thức mới đã tạo sự biến chuyển rõ rệt thái độ của giáo viên khi nhìn về trẻ khó học. Kết quả này cho thấy nội dung và thời lượng của chương trình tập huấn này có thể triển khai cho giáo viên ở nhiều địa phương hơn.
2. Trong khuôn khổ triển khai thực hành cho giáo viên, 20 học sinh khó học được sàng lọc từ 485 học sinh của 5 trường tiểu học tại Thuận An đã nhận được chương trình hỗ trợ của Dự án. Sau 2 đợt hỗ trợ, ghi nhận từ đánh giá của giáo viên, từ kết quả kiểm tra tại trường và từ đánh giá khách quan bằng trắc nghiệm cho thấy:
* Các dạng khó học
- Về ngôn ngữ nói, các học sinh trong mẫu khảo sát gặp khó khăn nghiêm trọng ở vốn từ chủ động, các em bị thiếu từ để diễn đạt và khả năng thao tác trên lời nói, nhận thức về cấu trúc ngữ âm còn hạn chế. Số lượng các em gặp khó ở khả năng nghe hiểu câu ít hơn. Riêng về sự lưu loát của lời nói thì không có em nào bị xếp vào loại nghiêm trọng cả.
- Về ngôn ngữ viết, các học sinh trong mẫu khảo sát không gặp khó khăn với việc đọc âm vần, nhưng gặp khó khăn nghiêm trọng với việc đọc từ mà cụ thể là từ hiếm và từ giả; khả năng đọc hiểu câu của các em cũng rất thấp và viết chính tả sai rất nhiều.
- Về khả năng số học, các học sinh trong mẫu khảo sát xử lý tốt các bài tập về đếm số và số lượng. Tuy nhiên ở kiến thức về số, các em gặp khó khăn nghiêm trọng ở bài tập xử lý số thập phân và phân biệt hàng chục, hàng đơn vị. Ở bài tập logic, các em đều gặp khó khăn trên các thao tác xếp hạng, phân nhóm, tách số hoặc lồng số. Ở các phép tính, các em lúng túng ở phép trừ và giải quyết các bài toán có lời. Và cuối cùng, khả năng ước lượng độ lớn con số còn rất hạn chế.
Tóm lại, kết quả từ trắc nghiệm Đánh giá khả năng ngôn ngữ và toán học của học sinh cho thấy các khiếm khuyết trong kỹ năng học đường của học sinh: nghe, nói, đọc, viết, tính toán và suy luận. Mức độ phân ly hoặc kết hợp của các khiếm khuyết này cũng khác nhau, có học sinh chỉ gặp khó khăn nghiêm trọng ở một kỹ năng, có em nhiều hơn một kỹ năng và cũng có em đều thiếu hụt tất cả các kỹ năng.
* Trong nhóm 14 học sinh được hỗ trợ cá nhân ngoài giờ lên lớp, có 2 em thành tích học tập được cải thiện rõ rệt, 10 em cải thiện nhẹ, 1 em kết quả không ổn định và 1 em chưa thấy tiến bộ. Trong nhóm 6 học sinh chỉ được theo dõi tại lớp, 3 em có cải thiện nhẹ thành tích học và 3 em chưa thấy tiến bộ.
Kết quả trên cho thấy hiệu quả vượt trội của mô hình hỗ trợ cá nhân cho học sinh, ở đó, các em được học theo chương trình phù hợp với phong cách học của mình. Các em không nhận được chương trình hỗ trợ cá nhân thì sự chuyển biến chậm hơn. Tuy nhiên các em vẫn có thể tạo ra sự chuyển biến trong việc học nếu như bản thân các em nỗ lực lớn cũng như được sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình trong việc hợp tác với giáo viên để dạy con.
3. Công tác đào tạo và thực hành cũng đã được đánh giá tích cực bởi những người tham gia. Tuy nhiên việc triển khai dạy cá nhân cho học sinh do giáo viên thực hiện gặp nhiều cản trở do mọi người luôn bị áp lực công việc, không đủ thời gian để đảm đương thêm việc mới. Cần phải có bộ phận chuyên trách cho công tác hỗ trợ này.
e. Thời gian nghiên cứu: 24 tháng
- Thời gian bắt đầu: 5/2015
- Thời gian kết thúc: 5/2017
f. Kinh phí: 517.072.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)