a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu thu nhận và ứng dụng Fibrin giàu tiểu cầu (PRF-Platelete rich fibrin) trong điều trị nha chu
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS TS Trần Lê Bảo Hà và PGS TS Phan Anh Vũ Thụy đồng chủ nhiệm và cá nhân tham gia thực hiện:
1. ThS Trịnh Ngọc Lê Vân
2. ThS Nguyễn Thị Ngọc Mỹ
3. ThS Đoàn Nguyên Vũ
4. ThS Lê Thị Vĩ Tuyết
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Xây dựng quy trình tối ưu thu nhận PRF trong điều kiện có thể áp dụng rộng rãi cho các đơn vị điều trị lâm sàng
- Xác định được sự ảnh hưởng của PRF lên sự di cư, tăng sinh, biệt hóa của các tế bào có liên quan đến điều trị nha chu
- Xác định được khả năng hỗ trợ tăng sinh mạch máu của PRF trong cơ thể
- Đánh giá được vai trò của PRF trong hỗ trợ điều trị khiếm khuyết xương ổ răng trong viêm nha chu
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Đây là đề tài cấp tỉnh của tác giả Trần Lê Bảo Hà và Phạm Anh Vũ Thụy thực hiện từ năm 2017 đến cuối năm 2019 với mục tiêu thiết lập được quy trình thu nhận PRF (Platelet Rich Fibrin - Fibrin giàu tiểu cầu), đồng thời nghiên cứu cũng tập trung đưa các cơ sở khoa học và thực nghiệm chứng minh khả năng ứng dụng PRF trong điều trị nha chu. Quy trình thu nhận khối PRF tối ưu được xác lập với thông số ly tâm là 2.500 vòng/phút trong 15 phút bằng máy ly tâm góc.
PRF là một khối gồm mạng lưới Fibrin chứa tiểu cầu, bạch cầu và một lượng lớn các nhân tố tăng trưởng bên trong. Các nhân tố này sẽ được phóng thích dần theo thời gian, giúp thúc đẩy quá trình lành thương. Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu sử dụng PRF trong hỗ trợ điều trị nâng xương ổ răng trong phẫu thuật cấy ghép implant và hỗ trợ lành thương trong điều trị tụt nướu.
Theo nghiên cứu của tác giả, các nghiên cứu về việc thu nhận, chế tạo và ứng dụng PRF trong điều trị nha chu được triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn đang tiếp tục. Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới chứng minh được tiềm năng của PRF trong việc hỗ trợ điều trị phục hồi xương ổ răng và tụt nướu, nhưng việc nghiên cứu và ứng dụng PRF lại đang là một hướng tiếp cận mới ở nước ta.
Hiện tại chưa có công trình nào ở nước ta được công bố về mảng nghiên cứu này, do đó nhóm nghiên cứu đã triển khai nghiên cứu này nhằm cung cấp cơ sở khoa học từ việc xây dựng được quy trình thu nhận được PRF tối ưu, đánh giá được ảnh hưởng của PRF lên các dòng tế bào có liên quan đến điều trị nha chu ở mức in vitro, đánh giá được vai trò của PRF trong hỗ trợ tăng sinh mạch máu ở mức độ in vivo và thử nghiệm lâm sàng sử dụng PRF hỗ trợ điều trị các khiếm khuyết xương ổ răng trong điều trị viêm nha chu.
Vật liệu nghiên cứu: Máu tĩnh mạch được thu nhận từ người tình nguyện khỏe mạnh tham gia nghiên cứu; chuột nhắt trắng Mus musculus var Albino được mua từ Viện Pasteur, thành phố Hồ Chí Minh; tế bào gốc tủy xương (human Bone marrow derived stem cell - hBMSC), tế bào gốc dây chằng nha chu (human Periodontal liagament stem cell - hPDLSC), nguyên bào sợi nướu (human Gingival fibroblast - hGF) được cung cấp bởi PTN, kỹ nghệ mô và Vật lý Y sinh, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Tiêu chí chọn bệnh nhân: Đồng ý tham gia nghiên cứu; những răng có sự tiêu xương ổ răng theo chiều dọc trên phim X quang đã điều trị nha chu không phẫu thuật nhưng không đáp ứng, có độ sâu túi nha chu từ 6mm trở lên, có chảy máu nướu khi thăm khám, độ sâu khiếm khuyết trong xương (IBD) > 3mm trên phim quanh chóp; khiếm khuyết trong xương còn 2-3 vách; PI của răng các răng phẫu thuật liên quan <1 sau khi điều trị giai đoạn 1 và nướu sừng hóa mặt ngoài các răng phẫu thuật ≥ 2mm.
Nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu 4 nội dung: (1) xây dựng quy trình thu nhận PRF với việc thực hiện xây dựng quy trình thu nhận fibrin giàu tiểu cầu và đưa ra một số đặc điểm của PRF được thu nhận bằng quy trình tối ưu. (2) đánh giá ảnh hưởng của PRF lên các dòng tế bào có liên quan đến điều trị nha chu từ kết quả đánh giá sự ảnh hưởng của PRF lên sự di cư hBMSC, hPDLSC, hGF; ảnh hưởng của dịch chiết PRF đến khả năng tăng sinh của hBMSC, hPDLSC, hGF; ảnh hưởng của dịch chiết PRF đến khả năng biệt hóa xương của hBMSC, hPDLSC. (3) kết quả đánh giá vai trò của PRF trong hỗ trợ tăng sinh mạch máu in vivo và (4) thử nghiệm lâm sàng điều trị các khiếm khuyết xương ổ răng trong viêm nha chu.
Kết quả ở nội dung (1), nhóm tác giả đã xác định các thông số tốc độ ly tâm, thời gian ly tâm và tổng thời gian thực hiện tối ưu để thu nhận PRF; xác định mối tương quan giữa thể tích máu sử dụng và thể tích PRF thu được; đánh giá sự giải phóng các nhân tố tăng trưởng như PDGF và TGF-β theo thời gian; đánh giá được khả năng phân hủy in vitro của PRF trong dung dịch PBS; xây dựng và điều chỉnh các thông số tối ưu để thu nhận PRF. Ở nội dung (2), nhóm nghiên cứu đã đánh giá được khả năng di cư của một số dòng tế bào người (hBMSC, hPDLSC, hGF) liên quan đến sự lành thương trong điều trị nha chu; đánh giá khả năng tăng sinh của một số dòng tế bào người; đánh giá khả năng biệt hóa của hBMSC liên quan đến sự tái tạo xương trong điều trị khiếm khuyết xương ổ răng; đánh giá khả năng biệt hóa của hPDLSC liên quan đến sự tái tạo xương trong điều trị khiếm khuyết xương ổ răng.
Trong nội dung (3) đã tạo chuột suy giảm miễn dịch. Ghép màng dưới da chuột và theo dõi sự phục hồi của chuột; hình ảnh mô học đánh giá chức năng thông qua hình thành mạch máu. Nội dung (4) đã khàm sàng lọc, xác định mức độ tổn thương trong viêm nha chu, lựa chọn bệnh nhân theo các tiêu chí tham gia thí nghiệm; thử nghiệm điều trị viêm nha chu cho bệnh nhân; đánh giá các chỉ số nha chu lâm sàng và trên phim x quang; so sánh các chỉ số nha chu lâm sàng và trên phim x quang và xây dựng quy trình điều trị nha chu trên bệnh nhân...
Trong thử nghiệm lâm sàng điều trị các khiếm khuyết xương ổ răng trong viêm nha chu, hiệu quả điều trị bằng PRF trong 12 tháng cho thấy: mức độ cải thiện các chỉ số nha chu lâm sàng đáng kể; hạn chế mức độ tiêu mào xương ổ răng và có sự tạo xương lập đầy khuyết hỏng.
Tất cả các răng điều trị với PRF (10 răng) đều giảm chỉ số PD và CAL, giảm độ lung lay răng và có tăng nhẹ mức độ lắp đầy khuyết hỏng sau phẫu thuật 12 tháng. Như vậy dựa theo tiêu chí thành công của phẫu thuật mà nghiên cứu đưa ra, tỷ lệ thành công điều trị khuyết hỏng do viêm nha chu bằng PRF trong nghiên cứu này là 100%.
Đây là nghiên cứu từ in vitro đến ứng dụng lâm sàng của PRF trong điều trị khuyết hỏng xương do viêm nha chu. Vì vậy, điều kiện thí nghiệm in vitro không thể hoàn toàn giống thực tế trên lâm sàng. Kết quả in vitro góp phần giải thích những hiệu quả của PRF được thấy trên lâm sàng của nghiện cứu này.
Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu sẽ tập huấn cho bác sĩ Răng Hàm Mặt của bệnh viện Mỹ Phước quy trình kỹ thuật ghép PRF trong điều trị khuyết hỏng xương do viêm nha chu khi địa phương sắp xếp được nguồn nhân lực, trang thiết bị và thời gian.
Nhóm nghiên cứu đề nghị cần thực hiện nghiên cứu này với số lượng mẫu nhiều hơn, tiếp tục hoàn thiện quy trình về thu nhận, bảo quản, áp dụng lâm sàng nhằm có thể chuyển giao công nghệ cho các đơn vị ứng dụng. Đồng thời, thực hiện thử nghiệm lâm sàng đối với một số bệnh nhân nha chu khác, như điều trị tụt nướu, khuyết hỏng vùng chẽ răng, đánh giá tác động kháng khuẩn của PRF lên các vi khuẩn viêm nha chu./.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 7/2017
- Thời gian kết thúc: 7/2019
f. Kinh phí thực hiện: 1.186.012.695 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)