a. Tên nhiệm vụ: Phân lập và khảo sát môi trường nhân giống nấm mối (Termitomyces sp.)
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Phân lập và định danh được một số chủng nấm mối mọc ngoài tự nhiên
- Khảo sát một số thành phần chính của môi trường nhân giống nấm mối nhằm tìm ra môi trường thích hợp làm cơ sở để sản xuất sinh khối trên quy mô lớn
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Nấm mối là loại nấm cộng sinh, có đời sống dị dưỡng, chúng sử dụng các loại chất hữu cơ khác nhau trong tổ mối. Meo giống phát triển ở dạng hệ sợi, các sợi nấm ăn có dạng ống tròn, đường kính khoảng 2 - 4 µm. Các ống này đều có vách ngăn ngang tạo các tế bào. Nấm có cấu tạo tế bào của các sinh vật có nhân thật (Eukaryote) tuy nhiên nó cũng có đặc trưng riêng: thành tế bào cấu tạo chủ yếu là kitin - glucan. Sợi nấm có thể phát triển từ bào tử hay từ một đoạn sợi nấm. Bào tử nẩy mầm theo các hướng khác nhau, sợi nấm phân nhánh nhiều lần tạo thành một mạng sợi nấm dày chằng chịt và có màu trắng (Botha and Eicker, 1991b).
Thời gian gần đây thời tiết không thuận lợi cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất nông nghiệp nên nấm mối mọc giảm hơn nhiều so với thời gian trước đây. Về mặt khoa học chúng ta có thể nuôi trồng được tất cả các vật thể sống (từ cấp độ tế bào cho đến cơ thể sống) nhưng có lẽ nấm mối là loài đặc biệt, có đặc điểm sinh lý và cơ chế 2 biến dưỡng khác biệt hơn so với các loài nấm khác nên tới nay con người vẫn chưa thể trồng được.
Ở Việt Nam, hiện nay nguồn cung cấp nấm ăn hay nấm dược liệu chủ yếu vẫn từ nền nông nghiệp với phương pháp truyền thống, nuôi trồng trên giá thể rắn, ngoài một số ưu điểm, phương pháp này chưa cho hiệu quả cao, tốn kém chi phí, nhân công, diện tích, còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, không gian, thời gian, vì vậy năng suất không ổn định và khó khăn trong việc tự động hóa quá trình sản xuất. Đặc biệt, nấm mối vẫn chưa nuôi trồng được bằng phương pháp truyền thống như các loài nấm lớn khác mà nguồn cung cấp ít ỏi vẫn từ tự nhiên.
Do đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhi - Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tiến hành khảo sát, phân lập và định danh được một số chủng loại nấm mối mọc ngoài tự nhiên, kết quả đã phân lập được 6 chủng nấm mối, trong đó có 2 chủng thuộc loài Termitomyces clypeatus. Các chủng còn lại dựa vào dẫn liệu về hình thái, đặc điểm khuẩn lạc và kết quả giải trình tự, kết luận chúng đều thuộc chi nấm mối Termitomyces.
Kết quả phân lập và định danh nấm mối Termitomyces clypeatus: Kết quả phân lập tơ nấm trên 5 môi trường MT1, MT2, MT3, MT4, MT5 cho thấy môi trường MT5 phù hợp cho sự sinh trưởng của nấm mối với hình thái khuẩn lạc trơn, sáng, gấp nếp dày, đường kính sau 20 ngày nuôi cấy là 4,5 cm, trong khi đó trên môi trường MT4 là 3,5 cm và trên môi trường MT1 là 2,5 cm. Ở 2 môi trường MT1, MT4 khuẩn lạc sau 20 ngày nuôi cấy ở cùng điều kiện có hình thái thô, sần sùi, mỏng, bề mặt trắng dạng bột bào tử. Nấm T. clypeatus không phát triển trên các môi trường MT2, MT3, các mẫu mô cấy bị nhũn, hóa nâu, có thể do môi trường dinh dưỡng chứa nguồn cacbon là CMC hay tinh bột tan, nguồn cacbon mà nấm mối khó đồng hóa được. Điều này cũng có thể liên quan đến hoạt tính enzyme amylase và cenllulase ở nấm mối. Hoạt tính các enzyme này ở nấm mối rất yếu, vì vậy nấm mối rất khó phát triển được trên môi trường với nguồn cacbon là các đa phân tử như cellulose hay tinh bột. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Zeleke et al. (2013) về hoạt độ enzyme nấm mối trên các môi trường khác nhau; kết quả định danh trên cơ sở giải trình tự DNA vùng ITS1, 5.8S, ITS2, 28S của mẫu nấm mối phân lập được và so sánh với các trình tự trên ngân hàng gen NCBI cho thấy trình tự của nấm mối tại huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng thuộc loài T. clypeatus.
Kết quả phân lập và định danh nấm mối Termitomyces sp.1: Kết quả phân lập qua theo dõi sự phát triển của mô nấm mối trên 3 môi trường MT1, MT4 và MT5 cho thấy MT5 mô nấm sinh trưởng mạnh nhất, hình thái khuẩn lạc trơn, sáng, gấp nếp dày, đường kính đo được sau 20 ngày nuôi cấy là 3,8 cm, trong khi môi trường MT1 là 2,0 cm, MT4 là 3,1 cm. Ở 2 môi trường MT1, MT4 khuẩn lạc sau 20 ngày nuôi cấy ở cùng điều kiện có hình thái thô, sần sùi, mỏng, bề mặt trắng dạng bột bào tử; kết quả định danh trên cơ sở giải trình tự DNA, sản phẩm PCR thu được có chất lượng tốt với một băng rõ duy nhất trên gel điện di. Băng nằm ở vị trí khoảng 800 đến 900 bp. nấm mối phân lập được là Termitomyces sp.1.
Kết quả phân lập một số chủng nấm mối khác sau 10 ngày là: Termitomyces sp.2; Termitomyces sp.3; Termitomyces sp.4.
Phân tích mối quan hệ di truyền của các chủng nấm mối phân lập: Chỉ số bootstrap của nhóm gồm MF163152 và KU569480 là 100%, nghĩa là có 1000 lần MF163152 và KU569480 đứng chung trong một nhóm. Phân tích trên CSDL của NCBI cho thấy 2 chủng MF163152 (938 bp) và KU569480 (980 bp) có tỷ lệ tương đồng 99% và có độ phủ 100%, kết hợp với các đặc điểm giống nhau về hình thái, kết luận được 2 chủng này cùng một loài Termitomyces clypeatus. Các chủng còn lại có thể là các loài nấm mối khác nhau.
Trong 6 chủng nấm mối có 2 chủng thuộc loài Termitomyces clypeatus. Môi trường thích hợp cho sự tích lũy sinh khối hệ sợi nấm mối tốt nhất là môi trường chứa 6,99% glucose; 0,596% pepton và 0,2% KH2PO4 với thời gian nuôi cấy thích hợp là 20 ngày, nhiệt độ là 28,10C; pH 4,75 và tốc độ lắc 131,3 cho trọng lượng sinh khối khô của hệ sợi nấm mối dự đoán là 6,503 g/L. Tỷ lệ chủng giống 10% v/v với chế độ sục khí 0,4v/v/m là phù hợp trong nhân giống nấm mối cấp 2 dạng dịch thể.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 8/2016
- Thời gian kết thúc: 11/2017
g/ Kinh phí thực hiện: 52.703.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).