a. Tên nhiệm vụ: Sinh kế dân nghèo và công cuộc giảm nghèo tại tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS TS Nguyễn Văn Hiệp và các cá nhân tham gia thực hiện:
1. PGS TS Nguyễn Đức Lộc
2. ThS Nguyễn Thị Tuyết Thanh
3. ThS Lê Anh Vũ
4. ThS Huỳnh Ngọc Song Minh
5. ThS Tạ Thị Thanh Trà
6. ThS Nguyễn Quang Giải
7. ThS Bùi Hoàng Việt
8. Nguyễn Thị Thảo
9. Phạm Giao Tiểu Ái
10. Vũ Văn Tiệp
11. Lê Xuân Đài
12. Nguyễn Trọng
13. Trần Thị Ngọc Dung
14. Cù Quang Minh
15. Nguyễn Vĩnh Công
16. Trần Thị Hồng Liên
17. Nguyễn Thị Mỹ Giàu
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Mục tiêu chung: Đánh giá hiện trạng dân nghèo và hoạt động sinh kế dân nghèo ở Bình Dương giai đoạn 1998 - 2016. Qua đó, xác định vai trò của chính sách giảm nghèo và năng lực thoát nghèo của người dân và đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo ở Bình Dương thông qua những nguyên nhân thành công và thất bại. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể và các mô hình cụ thể (chính sách, nguồn lực…) phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Dương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025.
- Mục tiêu cụ thể:
(1) Xây dựng khung lý luận sinh kế dân nghèo, sinh kế bền vững, khung phân tích sinh kế bền vững, tạo tiền đề lý luận cho hướng cách tiếp cận nghiên cứu về nghèo, giảm nghèo, nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững áp dụng cho đề tài.
(2) Nhận diện những thành tựu và thách thức của quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo (1998 – 2016) trong bối cảnh công nghiệp hóa tại tỉnh Bình Dương;
(3) Tìm hiểu hiện trạng đời sống dân nghèo dưới các chiều kích khác nhau như: nghề nghiệp, nhà ở, giáo dục, thu nhập và chi tiêu, chăm sóc sức khỏe, cơ hội tiến thân v.v…và quá trình chuyển đổi sinh kế dân nghèo ở Bình Dương giai đoạn 1998 - 2016;
(4) Phân tích, đánh giá vai trò và tính hiệu quả của chính sách giảm nghèo và năng lực thoát nghèo của người dân thông qua việc xác định những nguyên nhân thành công, thất bại của quá trình thực thi chính sách giảm nghèo tại tỉnh Bình Dương;
(5) Đề xuất bộ tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025;
(6) Đề xuất các giải pháp cụ thể và các mô hình cụ thể (chính sách, nguồn lực...) phù hợp hợp với điều kiện tỉnh Bình Dương.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Đề tài sinh kế dân nghèo và công cuộc giảm nghèo tỉnh Bình Dương do PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Trường đại học Thủ Dầu Một thực hiện dựa trên những tiền đề lý luận gồm các khái niệm liên quan đến nghèo đói, xóa đói giảm nghèo, quan điểm chính sách về giảm nghèo ở Việt Nam và những lối tiếp cận lý thuyết phổ biến trong nghiên cứu về giảm nghèo và sinh kế dân nghèo trên thế giới. Các khái niệm liên quan đến nghèo đói và xóa đói giảm nghèo gồm: Sinh kế và sinh kế bền vững, định nghĩa về nghèo đói, chuẩn nghèo, nghèo đơn chiều và nghèo đa chiều. Về quan điểm chính sách, đề tài tiếp cận chuẩn nghèo của cơ quan nhà nước, các tiêu chí đo lường nghèo đói và xóa đói giảm nghèo…
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá hiện trạng dân nghèo và hoạt động sinh kế dân nghèo ở Bình Dương giai đoạn 1998 - 2016. Qua đó, xác định vai trò của chính sách giảm nghèo và năng lực thoát nghèo của người dân và đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo ở Bình Dương thông qua những nguyên nhân thành công và thất bại. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể và các mô hình cụ thể (chính sách, nguồn lực…) phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Dương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, nghèo đói là một phạm trù rất rộng và không chỉ được hiểu một cách đơn giản là sự túng thiếu về mặt vật chất. Nghèo được coi là tình trạng thiếu thốn về thu nhập, tài sản, cơ hội, hoặc cũng có thể hiểu đó là tình trạng dễ bị tổn thương trước những biến cố bất lợi, sự hạn chế trong việc bày tỏ nhu cầu hay tham gia vào quá trình ra quyết định trong cộng đồng… Do sự liên quan đến nhiều khía cạnh, nên rất khó có thể đưa ra một định nghĩa chung và đầy đủ về nghèo đói. Các tổ chức, cá nhân trong khi nghiên cứu về nghèo đói thường đưa ra định nghĩa và các tiêu chí xác định nghèo đói tùy thuộc vào mục tiêu, góc độ quan sát, đánh giá.
Hiện tại, nghèo đói là một hiện tượng mang tính chất toàn cầu, mối bận tâm hàng đầu của nhiều nhà làm chính sách. Đẩy lùi nghèo đói liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, trong đó, bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc của người dân, thể hiện qua nhu cầu được phát triển đồng đều trên tất cả quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ.
Ở Việt Nam, xóa đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng. Qua nhiều thập niên, cách đo lường và đánh giá nghèo ở Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua thu thập. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy thành tiền. Nếu người có thu nhập dưới mức chuẩn nghèo thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo. Chuẩn nghèo đơn chiều do Chính phủ Việt Nam quy định được đánh giá là thấp so với thế giới. Trên thực tế, nhiều hộ dân thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm cận chuẩn nghèo, do đó số lượng hộ cận nghèo vẫn rất lớn, tỷ lệ nghèo còn cao chiếm hơn 30%.
Bình Dương là một tỉnh có sự phát triển kinh tế - xã hội năng động của cả nước. Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng khen ngợi. Mặc dù tình Bình Dương đã nâng chuẩn nghèo của tỉnh lên cao hơn so với chuẩn quốc gia để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn bị khống chế theo đề án xây dựng nông thôn mới như là nếu địa phương không giảm được số hộ nghèo thì địa phương không đạt danh hiệu văn hóa và xã hội không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Điều này đặt ra nghi vấn liệu có không những nơi vì thành tích mà đã đưa người nghèo ra khỏi danh sách nghèo. Do đó, việc thống kê và rà soát lại các hộ nghèo một cách cụ thể là điều cần phải thực hiện một cách thường xuyên để tránh bỏ sót và tìm hiểu đời sống kinh tế - xã hội của người nghèo cũng như nghiên cứu những mô hình sinh kế phù hợp với những đặc điểm của người nghèo ở Bình Dương. Thông qua đó, đảm bảo công bằng và quyền lợi cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
So với tiêu chuẩn của cả nước thì theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cho thấy Bình Dương là tỉnh duy nhất không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia. Tuy vậy, nghèo và sinh kế nghèo vẫn là vấn đề quan trọng mà tỉnh cần giải quyết triệt để nhằm phù hợp với tình hình và đặc điểm của tỉnh.
Có thể thấy, các chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều của tỉnh Bình Dương đã có tác dụng tích cực đến đời sống của người nghèo với những hỗ trợ ở mức cao hơn, đánh vào đúng đối tượng hơn. Ngoài ra, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng thị xã, huyện.
Về đất đai, nhà ở, nghề nghiệp, thu thập, mặt bằng chung của người dân Bình Dương cao hơn trung bình của cả nước, với những tiếp cận tiện nghi trong đời sống. Người dân ở Bình Dương đã được chăm lo về điện, nước sinh hoạt, chuyển dần sang nhà cấp 4 với gian bếp, nhà tắm riêng biệt. Trong tác động từ yếu tố giáo dục, sức khỏe, môi trường và tiếp cận thông tin, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người dân nghèo như giúp trẻ đến trường, nâng cao tay nghề cho công nhân. Bên cạnh đó, tỉnh còn đảm bảo về y tế cho người nghèo thông qua bảo hiểm, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cũng như cải thiện tốt hơn môi trường sống.
Tuy nhiên, với tình trạng di cư tự do vào Bình Dương thì khả năng mất an ninh trật tự ở một vài nơi trong địa bàn tỉnh là có xảy ra và người dân thường xuyên phản ánh về tình trạng này, ít có sự cải thiện trong việc giảm thiểu tỉ lệ tội phạm, ổn định trật tự trị an. Chính vì vậy, khi xem xét các chiều cạnh nghèo đa chiều, ngoài các thành tựu xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bình Dương như đã nêu thì sự thiếu hụt các chỉ tiêu chất lượng sống cũng là điều đáng phải quan tâm trong quá trình hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đã nêu ra hai nhóm giải pháp giảm nghèo mang tính bền vững tại tỉnh Bình Dương: Hoàn thiện chính sách giảm nghèo (hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách về y tế) và nâng cao vai trò chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong các chương trình xóa đói giảm nghèo của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội. Ngoài ra, đề tài cũng đã đề xuất xây dựng bộ tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025 với sáu nhóm tiêu chí cụ thể: Nghèo dưới chiều kích về giáo dục, nghèo dưới chiều kích về y tế, nghèo dưới chiều kích về nhà ở, nghèo dưới chiều kích về điều kiện sống, nghèo dưới chiều kích về điều kiện sống và tiếp cận thông tin, nghèo dưới chiều kích về thu thập - chỉ tiêu.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 08/2017
- Thời gian kết thúc: 06/2019
f. Kinh phí thực hiện: 1.010.339.589 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)