a. Tên nhiệm vụ: Tác động của đô thị hóa trong lĩnh vực văn hóa ở Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS TS Tôn Nữ Quỳnh Trân và cá nhân tham gia chính:
1. ThS Nguyễn Thị Thu Hiền
2. ThS Nguyễn Văn San
3. ThS Trương Thanh Thảo
4. ThS Nguyễn Thu Hương
5. CN Nguyễn Thị Xuân Trúc
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Chương trình nghiên cứu "20 năm đô thị hóa tỉnh Bình Dương - những vấn đề thực tiễn" đã đặt ra mục tiêu làm rõ con đường đô thị hóa của tỉnh Bình Dương, nắm bắt quy luật của sự phát triển này, tìm hiểu những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa do đô thị hóa tác động vào nhằm đưa ra những nhận định và biện pháp, kiến nghị vừa để giữ gìn những giá trị truyền thống vừa làm phong phú đời sống văn hóa tại đây.
đ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ (tóm tắt)
Đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở của PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân thuộc chương trình nghiên cứu: 20 năm đô thị hóa Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn với mục tiêu làm rõ con đường đô thị hóa của tỉnh Bình Dương, nắm bắt quy luật của sự phát triển này, tìm hiểu những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa do đô thị hóa tác động vào nhằm đưa ra những nhận định và biện pháp, kiến nghị vừa để giữ gìn những giá trị truyền thống vừa làm phong phú đời sống văn hóa tại đây.
Văn hóa, với hai thành tố không tách rời là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, đều cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi đô thị hóa. Văn hóa vật thể như nhà ở, trang phục, ẩm thực cùng văn hóa phi vật thể như quan hệ xã hội, gia đình, dòng tộc, láng giềng, đời sống tín ngưỡng, lễ hội đều có những chuyển đổi khó dự đoán, nhanh chóng, diễn ra hàng ngày. Sự biến đổi mang tính chất có hệ thống với quy mô lớn và phức tạp, có những tích cực như làm cho con người thích nghi với hoàn cảnh vật chất mới, hiện đại hơn trước đây, nhưng đồng thời cũng làm mai một đi những giá trị truyến thống đã bao đời gầy dựng, hun đúc mới có được.
Trong quá trình đô thị hóa, trang phục và nhà ở (hai thành tố tiểu biểu của văn hóa vật thể) đã có những thay đổi rất sâu sắc. Sự thay đổi này thể hiện hành trình tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hội nhập, phát triển.
Đô thị hóa, nếu xét từng chuyển động cơ bản của nó: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng dân số cơ học; tỷ lệ đô thị hóa tăng và diện tích nông thôn bị thu hẹp, thì từng chuyển động ấy không hẳn tác động mạnh đến sự thay đổi của văn hóa vật thể. Những chuyển động xảy ra cùng thời, có quan hệ biện chứng với nhau, ví như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có nguyên nhân và hậu quả là sự chuyển dịch cơ cấu lao động; việc tăng dân số cơ học kéo theo tỷ lệ đô thị hóa tăng và diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Tất cả những chuyển động ấy tạo nên quá trình đô thị hóa, tạo nên một môi trường mới bắt con người phải hội nhập, làm cho văn hóa có sự tiếp biến.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động cho thấy con người tại chỗ đang chuyển dần từ người sản xuất nông nghiệp sang người lao động phi nông nghiệp. Cũng có hiệu ứng như thế đối với hiện tượng diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, là người nông dân đang rời xa dần khung cảnh nông thôn. Việc tăng dân số cơ học tạo ra môi trường cọ xát văn hóa giữa người nhập cư và người tại chỗ. Mỗi người nhập cư, mỗi dòng nhập cư đều đem theo hành trang văn hóa của chính bản thân. Tại đất mới, hành trang văn hóa của họ được lưu dân tiếp tục sống theo, phải thích ứng với môi trường mới và đồng thời ảnh hưởng đến cộng đồng tiếp nhận họ. Thêm vào đó, hệ thống thông tin đại chúng phát triển mạnh, mang tính hiện đại, trực tiếp, nhanh nhạy chuyển tải, truyền bá văn hóa đến với công chúng ngày càng rộng, góp phần không nhỏ vào quá trình tiếp biến.
Như vậy, đô thị hóa, với sự tổng hợp của các chuyển động cơ bản, đã tạo ra môi trường mới, bối cảnh mới cho, và văn hóa trong bối cảnh hội nhập đó đã có những bước tiếp biến. Những ảnh hưởng của giao lưu văn hóa có thể thấy được sự thay đổi của trang phục. Con người hướng đến cái đẹp, cái lịch sự theo phong cách mới, quần âu, áo sơ mi, giày tây thích hợp cho công sở cho giao tiếp dần trở thành phổ biến. Chiếc áo dài của nữ giới, với vẻ đẹp vốn có, không mất đi vị trí dù là không tiện lợi lắm, nhưng vẫn phát triển của nó vì phù hợp với sở thích làm đẹp của nữ giới.
Những căn nhà truyền thống như nhà chữ đinh, nhà chữ nhị đang dần mất đi chỗ đứng trong bối cảnh diện tích đất nông thôn bị thu hẹp, mà những căn nhà ấy đòi hỏi phải có mặt bằng rộng rãi, trong khi đó nhà ống mái bằn thì chỉ cần một mảnh đất nhỏ là đủ cho những những người khởi nghiệp, những người mới nhập cư. Tiếp biến văn hóa là kết quả hiển nhiên trong quá trình giao lưu, hội nhập. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là “những mặt trái, mất không ít”.
Đời sống văn hóa, giải trí ở các vùng mới đô thị hóa Bình Dương thay đổi với tốc độ nhanh. Nhìn vào mức độ chọn lựa các loại hình văn hóa giải trí trong thời gian rỗi của cư dân Bình Dương, ta thấy các điểm nổi là việc xuất hiện các kiểu dạng hoạt động giải trí mới có sức hấp dẫn với người nhập cư và người tại chỗ. Sự gia tăng các phương tiện giải trí, các công cụ giải trí làm cho hoạt động giải trí của người dân được mở rộng chưa từng thấy. Những trò chơi, giải trí của văn hóa nông thôn gần như bị xóa sổ. Đây là một quá trình tiếp biến văn hóa, mà trong đó có sự loại trừ một phần của văn hóa truyền thống.
Như vậy, đô thị hóa vừa đem những điều tích cực cho đời sống văn hóa của người dân, nhưng đồng thời vẫn có những nguy cơ như mất đi văn hóa truyền thống. Tiếp biến văn hóa là kết quả hiển nhiên trong quá trình giao lưu, hội nhập. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là “những mặt trái, mất không ít”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao bản lĩnh hội nhập, nhằm phát huy tốt nhất sự bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy, tiêu cực.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 08/2016
- Thời gian kết thúc: 08/2017
g/ Kinh phí thực hiện: 97.266.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).