a. Tên nhiệm vụ: Tác động của đô thị hóa trong lĩnh vực xã hội ở Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS TS Trần Thị Kim Xuyến và cá nhân tham gia chính:
1. ThS Lê Anh Vũ
2. ThS Nguyễn Thị Hồng Thắm
3. ThS Lê Thị Phương Hải
4. ThS Đỗ Mạnh Tuấn
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
Cuộc khảo sát về sự tác động về mặt xã hội của quá trình đô thị hóa đến lối sống, chất lượng sống và con người Bình Dương được thực hiện nhằm hiểu rõ hơn những đặc trưng trong lối sống và nếp nghĩ của người dân thông qua các dạng hoạt động sống, những vấn đề về phúc lợi và an sinh xã hội, cũng như nhu cầu của họ trong quá trình đô thị hóa, góp phần đưa khía cạnh xã hội - nhân văn vào phát triển và quản lý đô thị, chỉ ra những hình thức hội nhập cộng đồng và các đóng góp của cộng đồng vào quá trình quy hoạch hay cải tạo đô thị.
đ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ (tóm tắt)
Đây là nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở của PGS.TS. Trần Thị Kim Xuyến thuộc chương trình nghiên cứu: 20 năm đô thị hóa Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn với mục tiêu khảo sát về sự tác động về mặt xã hội của quá trình đô thị hóa đến lối sống, chất lượng sống và con người Bình Dương được thực hiện nhằm hiểu rõ hơn những đặc trưng trong lối sống và nếp nghĩ của người dân thông qua các dạng hoạt động sống, những vấn đề về phúc lợi và an sinh xã hội, cũng như nhu cầu của họ trong quá trình đô thị hóa, góp phần đưa khía cạnh xã hội - nhân văn vào phát triển và quả lý đô thị, chỉ ra những hình thức hội nhập cộng đồng và các đóng góp của cộng đồng vào quá trình quy hoạch và hay cải tạo đô thị.
Kết quả phân tích chính sách các các văn bản nghị quyết và các kế hoạch kinh tế- xã hội của các giai đoạn kế hoạch 5 năm do Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành cho thấy các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội luôn hướng tới mục tiêu “Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Trong các văn bản, thuật ngữ “chính sách xã hội” và “an sinh xã hội” thường được sử dụng theo nghĩa rộng, tức là đề cập tới những yếu tố nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người dân được đầy đủ, no ấm, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo cũng như những người có công được hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước và cộng đồng.
Theo chủ trương của đảng và Chính phủ, Bình Dương coi việc đảm bảo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội là nghĩa vụ của toàn bộ các hệ thống xã hội, vì vậy các chính sách của tỉnh đề ra luôn có xu hướng khuyến khích các thành phần kinh tế và các tổ chức xã hội cùng tham gia cung ứng các thiết chế và các dịch vụ nhằm nâng cao phúc lợi cho người dân.
Đánh giá hiệu quả của việc thực thi chính sách phúc lợi xã hội cũng là một trong những yếu tố xác định được sự tác động về mặt xã hội của quá trình phát triển đô thị ở Bình Dương. Những kết quả đánh giá từ thực tế cho thấy:
- Về lĩnh vực giáo dục, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong phát triển kinh tế và xã hội, tỉnh đã khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước và tư nhân, kể cả các cơ sở có yếu tố nước ngoài thành lập các trường mầm non, các trường học các cấp nhằm phục vụ việc chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ em ngay khi còn nhỏ để người lao động yên tâm làm việc. Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp cũng phát triển nhanh về qui mô, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tiếp tục thực hiện hiệu quả.
- Về lĩnh vực y tế, với chủ trương xã hội hóa y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bình Dương đã phát triển hệ thống y tế khá mạnh. Toàn tỉnh đã có 23 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện của nhà nước, 10 bệnh viện ngoài nhà nước và 1 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là hàng chục trạm y tế và hàng trăm phòng khám bệnh. Số bác sĩ bình quân trên một vạn dân và số giường bệnh bình quân trên một vạn dân ngày càng tăng.
- Về lĩnh vực nhà ở, số nhà trọ vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động nhập cư ngày một tăng. Hiểu rõ tình hình, chính quyền tỉnh Bình Dương đã ban hành một số chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và người dân xây dựng nhà ở cho thuê. Các chính sách về nhà ở cho người nghèo ở Bình Dương là điểm sáng trên cả nước, được các tỉnh thành trong cả nước muốn học tập, tuy nhiên nhu cầu sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp vẫn còn chưa được đáp ứng hoàn toàn.
- Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, mặc dù các quan điểm quản lý và chính sách của chính quyền tình đã thể hiện sự nỗ lực trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội cho người dân, tuy nhiên, các nhóm dân cư không hoàn toàn giống nhau về mức sống, về cơ hội. Những người lao động trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước được ký hợp đồng làm việc và đóng bảo hiểm xã hội, nhưng một số nhóm người lao động nhập cư làm cho các doanh nghiệp nhỏ hay tổ chức tư nhân thường không được giới chủ thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này, dẫn tới thiệt thòi cho người lao động.
- Về mặt an sinh xã hội, những lĩnh vực ưu tiên phát triển là các chương trình mục tiêu quốc gia về về xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo; chăm lo cho công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, xây dựng nhà ở xã hội là một trong những chương trình an sinh xã hội giúp người có thu nhập thấp, công nhân có thể sở hữu nhà ở để “an cư lạc nghiệp”.
Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh ở Việt Nam. Với mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2020, địa bàn phân bố dân số đô thị của Bình Dương không ngừng được mở rộng. Từ chỗ chủ yếu tập trung ở Thủ Dầu Một, trong hơn một thập niên gần đây, dưới tác động quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, dân số đô thị Bình Dương tăng trưởng theo hai phương thức: dày đặc hóa ở khu vực các huyện, thị phía Nam và lan dần đến khu vực các huyện phía Bắc.
Những phát hiện về cơ cấu lao động việc làm, trình độ tay nghề và thu nhập của người lao động phản ánh một số điểm sau: Những thành tựu về kinh tế của tỉnh đã làm nâng cao mức sống dân cư của người dân và tạo cơ hội về công ăn việc làm cho người lao động trong tỉnh cũng như từ các địa phương khác trên cả nước; kết quả phân tích cơ cấu việc làm của người lao động phản ánh đúng với một cơ cấu các ngành sản xuất của tỉnh. Sự chuyển dịch đang đi theo hướng giảm tỷ lệ các ngành nghề nông nghiệp, tăng dần sản xuất công nghiệp với trình độ cao và phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ; với các loại hình công việc và nơi làm việc đa dạng, người lao động Bình Dương có thu nhập bình quân trong một tháng khá khác biệt.
Những kết quả đánh giá tác động xã hội về mức sống và chất lượng sống của sư dân Bình Dương phản ánh một số đặc trưng: Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo chủ trương của chính quyền cấp tỉnh đã tác động khá mạnh mẽ tới cơ cấu lao động trong các ngành nghề; cùng với việc nâng cao mức sống cho người dân nói chung, tỉnh Bình Dương đã là địa phương đi đầu trong số các tỉnh xóa nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia.
Những biểu hiện tác động của quá trình đô thị hóa lên lối sinh hoạt vật chất của cư dân Bình Dương: Quá trình đô thị hóa ảnh hưởng khá nhiều tới mô hình nhà ở của người dân, theo đó các loại nhà truyền thống như nhà chữ đinh, nhà chữ nhị, nhà ba gian hai chái, đang dần hiếm đi, thay vào đó là loại hình nhà ống, nhà mái bằng; hầu hết các hộ gia đình đều có đủ điện và nước sạch phục vụ sinh hoạt; nếp sinh hoạt trong ẩm thực và trong cơ cấu tiêu dùng lương thực - thực phẩm có xu hướng đa dạng hóa, khác hẳn với cách tiêu dùng truyền thống là chỉ tập trung vào gạo và thịt; để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, người dân thường tìm tới các cửa hàng bán lẻ và siêu thị, còn khi mua lương thực - thực phẩm, họ vẫn chọn chợ là chính, ít hơn là siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, thậm chí có thể cả ở vỉa hè, dù không thường lắm.
Từ những kết quả nghiên cứu về các hoạt động văn hóa tình thần, có thể rút ra vài điểm sau: Trong các dạng hoạt động văn hóa tinh thần của cư dân Bình Dương, xem tivi và lên mạng internet là hai hình thức giải trí và cũng là hai phương tiện truyền thông đại chúng được người dân thực hiện thường xuyên nhất; trong quỹ thời gian của mình, người dân đô thị phải giành quá nhiều cho hoạt động tạo thu nhập, thời gian ngoài giờ làm việc bị rút ngắn lại, thêm vào đó, để tiện cho việc vừa nghỉ ngơi vừa giải trí họ lại chọn các hoạt động thụ động gói gọn trong gia đình, chính vì vậy các hoạt động giao tiếp với hàng xóm, với người thân và bạn bè cũng đã bị thu hẹp lại.
Kết quả phân tích về sự hỗ trợ xã hội trong mạng lưới xã hội của người dân Bình Dương cho thấy: Hệ thống mạng lưới xã hội được xây dựng dựa trên mối quan hệ tương hỗ là những yếu tố giúp đỡ nhiều cho cư dân, đặc biệt là nhóm người nhập cư; yếu tố quan trọng thứ hai mà người dân nhận định, đó chính là hàng xóm láng giềng; Kết quả cũng phản ánh một điểm quan trọng khác, đó là mạng lưới xã hội của con người trong xã hội hiện đại như tổ chức chính quyền cấp cơ sở, đoàn thể, các nhóm đồng nghiệp, bạn bè tuy không phát huy vai trò một cách mạnh mẽ như yếu tố “bà con dòng họ” và “người hàng xóm”, nhưng dưới tác động của đô thị hóa, chúng lại lại trở nên quan trọng hơn đối với người dân so với thời gian trước.
Từ những phát hiện đã nêu, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau: Sự tăng trưởng về kinh tế tạo ra sự thịnh vượng chung cho xã hội, mức sống của người dân được nâng lên, tuy nhiên cùng với nó là nhiều hệ quả không tránh khỏi, các nhà quản lý cần lưu ý để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu những yếu tố gây ra những hệ quả của sự phát triển.
Cần có những kế hoạch đón đầu để đáp ứng nhu cầu về mọi mặt nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, không chỉ về nhà ở, giáo dục y tế mà cả không gian xã hội cho các hoạt động vui chơi giải trí và sinh hoạt cộng đồng; có các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chịu cung ứng và đảm bảo các yếu tố của các tiểu hệ thống phúc lợi xã hội cho người lao động và gia đình họ; xây dựng đội ngũ cộng tác viên cộng đồng và nhân viên công tác xã hội và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao các kiến thức và kỹ năng cho họ; các biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là người nhập cư về vai trò của hoạt động cộng đồng, nhằm tăng tường tính tích cực chính trị- xã hội cho họ và tận dụng sự hỗ trợ xã hội của các mối quan hệ từ các hoạt động đó.
Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, các chính sách nên được quy định cụ thể hơn với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện trong thực tế cần được hệ thống thực thi và các nhà quản lý quan tâm hơn. Bên cạnh nhóm người nghèo, những nhóm yếu thế khác, những người nhập cư cần được quan tâm hơn trong tình hình hiện nay. Dù lý do tới lao động và làm việc xuất phát từ lực đẩy do thiếu công ăn việc làm ở địa phương và yếu tố gia đình của họ, nhưng sự có mặt và công sức của họ đã góp phần không nhỏ cho việc chuyển đổi kinh tế xã hội và tăng trưởng của Bình Dương trong nhiều năm trở lại đây.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 08/2016
- Thời gian kết thúc: 08/2017
g/ Kinh phí thực hiện: 85.722.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).