a. Tên nhiệm vụ: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng xây dựng mô hình thâm canh các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGap
và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS Lê Thị Chung và cá nhân tham gia thực hiện:
1. ThS Vũ Mạnh Hà
2. ThS Nguyễn Thanh Thủy
3. ThS Nguyễn Thanh Thịnh
4. ThS Âu Thị Ngọc Ánh
5. ThS Đào Thị Thùy Dương
6. KS Võ Thúy Huỳnh
7. KS Nguyễn Đăng Khoa
8. KS Phạm Thị Xuân Diệu
9. KS Trần Thị Liên
10. KS Hoàng Văn Hiệu
11. KS Trần Minh Thịnh
12. CN Nguyễn Văn Thiệt
13. TC Lê Văn Thành
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Mục tiêu chung: Nhằm nâng cao nhận thức của nhà vườn trong việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và tạo ra vùng sản xuất cây có múi đạt chất lượng
- Mục tiêu cụ thể:
+ Nắm bắt hiện trạng sản xuất và các mối nguy gây ô nhiễm vùng sản xuất cây có múi ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng và đề xuất giải pháp phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
+ Có được quy trình tổng hợp hạn chế hiện tượng khô đầu múi, bệnh thối rễ vàng lá trên cây có múi theo tiêu chí VietGAP;
+ Có được mô hình canh tác tổng hợp đạt được tiêu chuẩn VietGAP cho cây có múi có năng suất cao hơn đối chứng 15 - 20%, hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 20%, quy mô 08ha
+ Chuyển giao được các quy trình VietGAPnói trên cho nhà vườn trên địa bàn triển khai dự án và khu vực lân cận
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Đây là dự án ứng dụng khoa học và công nghệ của KS. Lê Thị Chung, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững triển khai tại huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương từ năm 2017 - 2019.
Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của nhà vườn trong việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và tạo ra vùng sản xuất cây có múi đạt chất lượng. Cụ thể: Nắm bắt hiện trạng sản xuất và các mối nguy gây ô nhiễm vùng sản xuất cây có múi ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng và đề xuất giải pháp phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; có được quy trình tổng hợp hạn chế hiện tượng khô đầu múi, bệnh thối rễ vàng lá trên cây có múi theo tiêu chí VietGAP; có được mô hình canh tác tổng hợp đạt được tiêu chuẩn VietGAP cho cây có múi có năng suất cao hơn đối chứng 15 - 20%, hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 20%, quy mô 08ha; chuyển giao được các quy trình VietGAP nói trên cho nhà vườn trên địa bàn triển khai dự án và khu vực lân cận.
Dự án thực hiện điều tra hiện trạng sản xuất cây có múi đối chiếu với các yêu cầu của VietGAP ở huyện Dầu Tiếng: Qua điều tra cho thấy, 100% nhà vườn chưa thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP nên họ chưa quan tâm đến việc đánh giá các nguy cơ ô nhiễm hóa học, vật lý, vi sinh vật ở vùng sản xuất và biện pháp khắc phục nên không có hồ sơ đánh giá mối nguy và biện pháp khắc phục; có 79,2% số hộ mua giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở sản xuất giống có giấy pháp kinh doanh ở Bến Tre và Tiền Giang. Tuy nhiên 100% hộ không lưu hồ sơ liên quan đến quá trình mua bán cây giống, không ghi chép cụ thể ngày mua, nơi mua, số lượng cây giống, tình hình sinh trưởng của cây giống lúc mua. Như vậy nhà vườn nơi đây đã không lưu hồ sơ cây giống. Đây là một trong những điều khoản qui định bắt buộc của VietGAP
Có 71,7% số hộ điều tra đã áp dụng các biện pháp chống xói mòn đất như cắt cỏ bằng máy, bón phân hữu cơ để duy trì độ xốp của đất, còn hầu hết các hộ chưa có biện pháp chống xói mòn và thoái hóa đất. Qua điều tra, chỉ có 34,9% số hộ đã ghi chép nhật ký mua và sử dụng phân bón cho vườn cây có múi nhưng những thông tin ghi chép vẫn còn thiếu so với yêu cầu VietGAP. Các hộ này chủ yếu ghi vào sổ tay thông thường để theo dõi chi phí đầu tư sản xuất…
Trong 68 tiêu chí của quy trình sản xuất VietGAP có 8,8% tiêu chí được nhà vườn tuân thủ 100%. Bao gồm các tiêu chí: Vùng sản xuất được qui hoạch, sử dụng phân bón và thuốc BVTV có trong danh mục được phép sử dụng sử dụng tại Việt Nam; mua phân bón và thuốc BVTV đúng nơi quy định. - Có 17,7% tiêu chí được nhà vườn tuân thủ hơn >50%. Có 36,7% % tiêu chí được nhà vườn tuân thủ hơn <50%.
Có 36,7% số hộ không áp dụng liên quan đến các tiêu chí: Sơ chế và bảo quản sản phẩm. Do các hộ chưa áp dụng VietGAP nên các điều khoản liên quan đến đánh giá nguy cơ vùng sản xuất, nước, hóa chất, hồ sơ lữu trữ, đánh giá nội bộ, khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa được thực hiện. Như vậy, Qua điều tra cho thấy các nhà vườn thực hiện theo yêu cầu của VietGAP còn ít. Tuy nhiên, các tiêu chí khác các nhà vườn đều sẽ thực hiện được nếu được hướng dẫn của đơn vị tư vấn.
Phân tích mối nguy gây ô nhiễm vùng sản xuất cây có múi theo VietGAP ở Huyện Dầu Tiếng: Qua kết quả phân tích kim loại nặng trong 6 mẫu đất trồng và 6 mẫu nước tưới (nước giếng khoan và nước hồ) ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh cho thấy đất trồng và nước tưới đều đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho việc sản xuất cây có múi VietGAP. Như vậy, vùng sản xuất cây có múi chưa ô nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép nên có thể sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xây dựng mô hình quản lý dinh dưỡng cho cây quýt đường nhằm hạn chế hiện tượng sượng trái (khô múi): Qua việc phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy vườn áp dụng mô hình quản lý dinh dưỡng nhằm hạn chế hiện tượng sượng trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các biện pháp kỹ thuật mà nhà vườn đang áp dụng. Trong quá trình thực hiện mô hình, các nhà vườn trên địa bàn xã Minh Hòa và Minh Thạnh đã tích cực tham gia học hỏi, thực hiện đúng theo qui trình và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Như vậy, với việc sản xuất cây có múi áp dụng các biện pháp quản lý dinh dưỡng không chỉ hạn chế hiện tượng sượng trái trên quýt mà còn góp phần giảm các chi phí khác, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn. Kết quả đánh giá được hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại như giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và sản lượng, sản phẩm thu được có chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận so với lô đối chứng.
Xây dựng mô hình phòng trừ bệnh thối rễ vàng lá cây có múi theo hướng sinh học: Dựa vào phiếu chọn điểm và điều kiện tham gia mô hình đã chọn được vườn cam sành hộ ông Lương Văn Thái, ấp Phú Hòa, xã Minh Hòa, tuổi vườn 3 năm tuổi. Hiện trạng vườn trước khi thực hiện mô hình: Cây cam bị thối rễ vàng lá, bị bệnh ghẻ loét nhiều, khoảng cách trồng khá dày (2,5 x 3m).
Xây dựng mô hình trồng mới thâm canh cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP: Kết quả dựa trên các chỉ tiêu được ghi nhận về tình hình sinh trưởng của vườn cam mô hình cho thấy vườn được trồng theo quy trình VietGAP có tỷ lệ cây chết sau khi trồng thấp hơn so với vườn đại trà, chiều cao cây và đường kính thân ở vườn mô hình đều có ý nghĩa khác biệt so với vườn đối chứng. Không có sự khác biệt giữa số cành cấp 1 và đường kính tán cây giữa vườn mô hình và vườn trồng đại trà ở cả 2 giai đoạn 12 và 24 tháng sau khi trồng. Kết quả ghi nhận trên mô hình trồng mới thâm canh cây quýt theo tiêu chuẩn VietGAP cho ta thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa chiều cao cây, đường kính thân, đường kính tán giữa vườn mô hình và vườn đại trà ở giai đoạn 12 và 24 tháng sau khi trồng…
Theo báo cáo cho thấy, việc áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP làm tăng chi phí đầu tư do đầu tư thêm công lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng (kho phân thuốc, nhà vệ sinh, khu pha thuốc BVTV, các biển cảnh báo nguy hiểm, văn phòng phẩm), phân tích mẫu đất, nước và sản phẩm, đánh giá chứng nhận VietGAP so với vườn sản xuất không thực hiện VietGAP.
Tuy nhiên, qua phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các biện pháp kỹ thuật mà nhà vườn đang áp dụng. Trong quá trình thực hiện mô hình, các nhà vườn trên địa bàn xã Minh Hòa và Minh Thạnh đã tích cực học tập và áp dụng vào vườn của nhà mình. Như vậy, với việc sản xuất cây có múi VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn (bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng), an toàn cho người lao động và môi trường mà còn giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm tạo ra sản phẩm uy tín trên thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Các nhà vườn tham gia mô hình đã nhận thức được tầm quan trọng khi sản xuất cây có múi VietGAP và nhiệt tình tham gia. Cả 9 thành viên, trong đó có 03 thành viên không trong nhóm thực hiện mô hình nhưng tất cả đều tuân thủ tốt các qui định của VietGAP, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ. Cả 9 hộ tham gia sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP đã được đánh giá và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Qua phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy áp dụng quy trình sản xuất cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cách mà các nhà vườn địa phương đang áp dụng. Bên cạnh đó một yếu tố cũng rất quan trọng là thay đổi được nhận thức của các nhà vườn tham gia mô hình về các biện pháp canh tác cây bưởi da xanh, cam sành và quýt đường nâng cao được kỹ năng quản lý vườn cây
Ngoài ra, dự án còn đào tạo kỹ thuật viên về “Qui trình kỹ thuật sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP”; tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cây có múi theo VietGAP: Quy trình sản xuất cây có múi theo VietGAP; sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV (Qui trình phòng trừ IPM); kỹ thuật thu hoạch và sơ chế; biện pháp đảm bảo an toàn lao động và sơ cấp cứu; hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng và lưu hồ sơ theo yêu cầu VietGAP.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 6/2017
- Thời gian kết thúc: 11/2019
f. Kinh phí thực hiện: 2.630.833.000 đồng (trong đó, từ NSNN: 1.635.001.000 đồng)
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).