a. Tên nhiệm vụ: Xây dựng mô hình du lịch MICE dựa trên di sản văn hóa ở cù lao Thạnh Hội, Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
b. Cấp quản lý nhiệm vụ: cơ sở
c. Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
d. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Trần Hạnh Minh Phương
e. Mục tiêu nghiên cứu: Nhận diện di sản văn hóa ở cù lao Thạnh Hội, cù lao Bạch Đằng. Xây dựng và thực nghiệm mô hình du lịch MICE dựa trên di sản văn hóa ở cù lao Thạnh Hội, cù lao Bạch Đằng. Ký kết văn bản ghi nhớ giữa Viện PTCL trường Đại học Thủ Dầu Một và chính quyền địa phương, hàng năm tổ chức hội thảo tại cù lao để duy trì việc quảng bá di sản văn hóa nơi đây.
f. Tóm tắt:
Đây là đề tài nghiên cứu của TS. Trần Hạnh Minh Phương được thực hiện vào năm 2022 với mục tiêu đóng góp tư liệu tham khảo về di sản văn hóa cù lao phục vụ chương trình nghiên cứu Đông Nam bộ của trường Đại học Thủ Dầu Một. Góp phần phục vụ chính quyền và người dân địa phương phát triển du lịch. Quá trình thực hiện đề tài, kết quả nghiên cứu trở thành nguồn tư liệu phong phú và mang tính thực tiễn để viết “Một nghiên cứu trường hợp” của phương pháp nghiên cứu xuyên ngành hướng đến chiến lược phát triển trường đại học ứng dụng của Đại học Thủ Dầu Một.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tác giả đã sử dụng các biện pháp phỏng vân sâu, công cụ PRA, quan sát tham dự và thực nghiệm mô hình hội thảo kết hợp du lịch được sử dụng với các nhóm đối tượng khác nhau để giải quyết vấn đề thực tiễn “phát triển du lịch” tại cù lao Thạnh Hội & Bạch Đằng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác giả đã giới thiệu bối cảnh nghiên cứu của đề tài tại cù lao Thạnh Hội và cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cù lao Thạnh Hội và cù lao Bạch Đằng hội tụ các lý do để có thể trở thành địa điểm phát triển du lịch hội thảo, đó là: con người, tài nguyên và chính sách. Dựa trên phương pháp nghiên cứu xuyên ngành, nhóm nghiên cứu đề xướng quy trình nghiên cứu gồm ba giai đoạn chính: Giai đoạn 1. Xác định vấn đề nghiên cứu, thành phần tham gia đề tài: hàn lâm và phi hàn lâm; Giai đoạn 2. Nhóm nghiên cứu bàn luận về di sản văn hóa ở cù lao và giải pháp phát triển du lịch. Giai đoạn 3. Tổ chức mô hình du lịch hội thảo tại cù lao Bạch Đằng tiến hành quá trình thảo luận, tương tác với các bên liên quan để đưa ra quyết định cuối cùng về đối tượng và mục tiêu nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng. Tiềm năng đầu tiên của cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng là môi trường cảnh quan thiên nhiên. Ý kiến của người dân sống tại nơi đây đều cho rằng môi trường không khí trong lành, mát mẻ và cảnh quan dọc bờ sông Đồng Nai là những thế mạnh để phát triển du lịch tại nơi đây. Ngoài điều kiện tự nhiên, cù lao Thạnh Hội còn được giới khảo cổ quốc tế biết như một địa chỉ khoa học về khảo cổ thời tiền sử với những di chỉ khảo cổ học của những lớp cư dân tiền sử có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Theo những ghi chép lịch sử, những cư dân đầu tiên đến cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng đã đặt chân đến đây khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII và qua năm tháng họ đã để lại những dấu ấn qua hệ thống đình, làng, chùa, miếu hay những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, có thể kể đến như: đình Tân Trạch, đình Nhựt Thạnh, chùa Khánh Sơn, nhà cổ Đỗ Cao Thứa, nhà cổ Dương Văn Hổ… là những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi nằm cạnh sông Đồng Nai, cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng còn nổi tiếng với những cánh đồng trồng hành, hẹ, bạc hà và đặc biệt là những vườn bưởi trĩu quả. Không chỉ để bán, người dân còn sáng tạo làm ra các sản phẩm khác làm từ bưởi: rượu, mứt, chè bưởi... để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng còn được thiên nhiên ban tặng nhiều loại hải sản như tôm càng xanh, cá duồng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Các loại đặc sản này có thể chế biến thành nhiều món ngon như: tôm nướng, lẩu tôm, cá duồng nướng, lẩu cá dường… Cuối cùng, cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng còn được biết đến như là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng với người anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, đại tá Trần Công An và những tấm gương của các Mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam.
Thêm vào đó, tác giả cũng trình bày quá trình thực hiện và kết quả thu được từ mô hình du lịch hội thảo được tổ chức tại cù lao Bạch Đằng ngày 28/11/2020. Bao gồm các bước chuẩn bị, tổ chức hội thảo tại hội trường: tham luận và phiên đối thoại, một tour tham quan cù lao Thạnh Hội và Bạch Đằng. Một số kết quả đã đạt được sau khi tổ chức chương trình bao gồm: kỷ yếu được xuất bản với 27 bài tham luận đến từ nhiều tác giả khác nhau. Các bài tham luận tập trung trình bày thành năm mảng chủ đề chính: (1) lý luận về du lịch cộng đồng; (2) tiềm năng, thực trạng và giải pháp khai thác, thúc đẩy du lịch trên sông Đồng Nai; (3) thực trạng và tiềm năng khai thác du lịch tại cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội; (4) kinh nghiệm phát triển du lịch cù lao từ kinh nghiệm Tây Nam Bộ và (5) mô hình học tập trải nghiệm và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Viện Phát triển Chiến lược – trường Đại học Thủ Dầu Một và Phòng Văn hóa - Ủy ban Nhân dân thị xã Tân Uyên về việc đồng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học kết hợp tham quan di sản văn hóa tại cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Để có cái nhìn khách quan về chương trình hội thảo và du lịch đồng thời có cơ sở nhằm cải tiến các chương trình tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập ý kiến đánh giá của các khách mời tham gia với các tiêu chí đánh giá như sau: không gian tổ chức hội thảo; nội dung hội thảo; công tác tổ chức hội thảo; công tác tổ chức chuyến du lịch tham quan di sản văn hóa tại cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội; hoạt động trải nghiệm của khách tham quan; chất lượng dịch vụ trong chuyến tham quan và mức chi phí qua đêm tại homestay địa phương, chủ đề hội thảo tiếp theo. Trên cơ sở lượng giá các ý kiến của khách tham quan, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải tiến mô hình du lịch hội thảo bao gồm: công tác tổ chức, công tác đón tiếp khách; hệ thống cơ sở vật chất và công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của địa phương. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đề xuất một số chủ đề hội thảo tiếp theo có thể thực hiện liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, trong tương lai một số chủ đề tọa đàm, hội thảo khác có thể được thực hiện như: Nông nghiệp thông minh, kiến trúc nhà cổ, du lịch cộng đồng… kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, giao lưu và thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương hay các món ăn dân dã đậm chất thôn quê.
Thông qua đề tài có thể thấy, tính vượt trội của nghiên cứu xuyên ngành là kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn, giải quyết nan đề của thực tiễn. Quá trình nghiên cứu xuyên ngành trí thức mới liên tục được nảy sinh, nhà nghiên cứu có cơ hội học hỏi những tri thức thực tiễn từ nhóm phi hàn lâm. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng gặp không ít những thách thức trong quá trình tìm được tiếng nói chung giữa nhóm hàn lâm và phi hàm lâm, đề cương nghiên cứu liên tục được thay đổi và cần phải cập nhật, cân bằng lợi ích giữa chính quyền và người dân và vượt qua những định chế của hội đồng xét duyệt đề cương và nghiệm thu đề tài theo hướng nghiên cứu truyền thống.
g. Lĩnh vực nghiên cứu:
h. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu xuyên ngành
i. Thời gian thực hiện: 01/09/2020- 01/04/2022
j. Kinh phí phê duyệt: 119.968.300