Áp dụng một số quy định tại Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP)
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 03/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 04/02/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Tuy nhiên, đến tháng 01/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu.
Tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống, nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 03/2018, bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ).
Ngày 12/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội Khóa 14 đã phê chuẩn CPTPP theo Nghị quyết số 72/2018/QH14, ngày 12/11/2018. Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019, CPTPP giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết của TPP ngoại trừ (i) các cam kết của Hoa Kỳ hoặc với Hoa Kỳ; (ii) 22 điểm tạm hoãn (có Danh mục chi tiết) và (iii) một số sửa đổi trong các Thư song phương giữa các bên của CPTPP.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Khoản 3 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 01/02/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Thông báo số 1926/TB-BKHCN, ngày 01 tháng 02 năm 2019 về việc áp dụng một số quy định tại Hiệp định CPTPP.
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ thống nhất áp dụng một số nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ còn có sự khác biệt giữa Hiệp định CPTPP với Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan, trước khi các nghĩa vụ này được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức, cá nhân nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội dung được nêu trong Thông báo trên, đề nghị phản ánh cho Cục Sở hữu trí tuệ (thông qua Phòng Pháp chế và Chính sách, điện thoại: 024.35588216) để xem xét, giải quyết.
Hồng Thu (Phòng QLCNg)