Bàn giao kết quả, sản phẩm thực hiện đề tài: Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục
Ngày 15/6/2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức bàn giao kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục” do Viện Thủy Công (trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) chủ trì thực hiện và GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng làm chủ nhiệm đề tài.
Cù Lao Rùa (Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia) thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, trong những năm gần đây là một trong những khu vực trọng điểm sạt lở thuộc hạ du sông Đồng Nai. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu do hoạt động uốn khúc, dịch chuyển ngang của sông ở vùng đồng bằng. Tốc độ xói lở bờ gia tăng sau khi có công trình thủy điện Trị An và hoạt động khai thác cát lòng sông không đúng quy định.
Hiện nay trên toàn bộ Cù Lao có khoảng 7 đoạn sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2,5km, trong đó đoạn hẹp nhất của Cù Lao Rùa (gọi là cổ Cù Lao Rùa) bị xói lở từ hai phía, chiều rộng chỉ còn khoảng 85m, nếu tiếp tục xói lở đoạn cổ Cù Lao Rùa sẽ bị cắt lìa, lúc đó sông lớn và sông con sẽ nhập lại và quá trình xói lở sẽ gia tăng hơn nữa.
Hình: Bản đồ không ảnh Cù Lao Rùa (Nguồn: Báo cáo khoa học tổng kết đề tài)
Trước bối cảnh đó, đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục” được triển khai thực hiện nhằm nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù Lao Rùa trong thời gian qua, tìm ra các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở đất, dự báo nguy cơ sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp chống sạt lở có cơ sở khoa học và khả thi.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã mô tả được thực trạng xói lở đất tại khu vực Cù Lao Rùa hiện nay; Đồng thời, cũng đã đi sâu phân tích, đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên (cấu trúc địa chất, địa hình - địa mạo, địa chất công trình, thủy văn - bùn cát) và các hoạt động của con người (vận hành thủy điện Trị An, hoạt động giao thông thủy và khai thác cát lòng sông) đến diễn biến bồi xói lòng sông tại khu vực Cù Lao Rùa cũng như đánh giá chi tiết cho từng khu vực sạt lở cụ thể. Từ đó đưa ra các dự báo diễn biến bồi xói lòng sông, đường bờ của Cù Lao Rùa đến năm 2025 và 2050.
Từ các kết quả nghiên cứu về thực trạng, phân tích các nguyên nhân và dự báo diễn biến sạt lở đất tại Cù Lao Rùa, đề tài đã đề xuất được các giải pháp phi công trình và công trình để quản lý và phòng chống sạt lở đất phù hợp với điều kiện địa hình, thủy lực dòng chảy cho từng vị trí sạt lở trên Cù Lao Rùa.
Hình: Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN (đứng thứ 2, từ trái qua) bàn giao kết quả , sản phẩm của đề tài cho các đơn vị
Đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá đạt yêu cầu. Các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học của đề tài được bàn giao cho Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương để triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tiễn trong thời gian tới.
Hình: Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN bàn giao kết quả , sản phẩm của đề tài cho đại diện UBND TX. Tân Uyên
Hình: Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN bàn giao kết quả , sản phẩm của đề tài cho đại diện Sở NN&PTNT
Hình: Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN bàn giao kết quả , sản phẩm của đề tài cho đại diện Sở TN&MT
Hình: Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN bàn giao kết quả , sản phẩm của đề tài cho đại diện Sở GTVT
Thanh Tâm - Phòng QLKH