Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Việc xâm phạm quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại và các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Việc xâm phạm quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại và các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.
Với những sản phẩm bị xâm phạm quyền SHTT được biết đến nhiều nhất là các những tác phẩm văn học, các bài hát, các phần mềm máy tính, nước uống, rượu, bột giặt, kiểu dáng sở hữu công nghiệp... Gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm đó và ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khác, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.
Cơ sở pháp lý hiện nay
- Luật SHTT năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2009;
- Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012
- Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 10/01/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 21/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN.
- Nghị định số 114/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều trong Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
- Thông tư số 44/2011/TT-BTC ngày 01/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT trong lĩnh vực Hải quan.
Khi nào thì xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính?
Theo Điều 211, Luật SHTT năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính:
(1) Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền SHTT sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính: (i) Xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội; (ii) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT quy định tại Điều 213 của Luật SHTT hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này; (iii) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
(2) Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.
(3) Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền SHTT, chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý.
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính:
Vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 30 và Điều 40 của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Vi phạm về sở hữu công nghiệp (SHCN)
(1) Thanh tra KH&CN có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định về: Thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền SHCN; chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN; đại diện SHCN; giám định SHCN; niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí; quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN.
(2) Thanh tra Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm về đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
(3) Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm về (i) sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và (ii) sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại thị trường trong nước;
b) Hành vi vi phạm về (i) chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN; (ii) niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra; (iii) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp và (iiii) cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước. Trong trường hợp xử lý hành vi vi phạm trên mà xác định được cơ sở sản xuất loại hàng hóa đó thì Quản lý thị trường có thẩm quyền tiếp tục xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở sản xuất.
(4) Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định về: Chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN; niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa.
(5) Công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền về SHCN và cung cấp cho thanh tra KH&CN, thanh tra Thông tin và Truyền thông, quản lý thị trường hoặc Hải quan để xử lý; có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.
(6) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHCN xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38 và Điều 52 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Vi phạm quyền đối với giống cây trồng
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyền SHTT đối giống cây trồng được quy định tại Điều 33 và Điều 35 của Nghị định số 114//2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Hình thức, biện pháp xử lý
- Hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền;
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn giấy phép có liên quan đến hoạt động SHTT; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về SHTT;
- Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy vật phẩm, hàng hoá vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh; buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền SHTT.
Bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là một công cụ pháp lý cần thiết trong việc xử lý xâm phạm quyền SHTT. Các cơ quan quản lý về SHTT, cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan thực thi cần kết hợp để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp về thực thi quyền SHTT nói chung, về áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền nói riêng.
Hồng Vân