Bình Dương: Tập huấn mã số mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương. Vừa qua, Hội Nông dân Tỉnh phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tập huấn mã số mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản cho các Hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên.
Tham dự lớp tập huấn có ông Lý Thái Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương, ông Trịnh Tuấn Kiên - Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ 1, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ Khoa học Công nghệ; đại diện Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện, các cơ sở hội trực thuộc và hơn 120 nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện cùng tham dự.
Toàn cảnh hội trường
Báo cáo tại lớp tập huấn ông Trịnh Tuấn Kiên cho rằng việc ứng dụng mã số mã vạch cho sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện là rất cần thiết trong tình hình hiện nay đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Các đại biểu đã nghe đại diện (Quatest 3) trình bày các nội dung: mã số thương phẩm toàn cầu GTIN-13, mã giao nhận SSCC, mã địa điểm GLN, mã QR code truy xuất nguồn gốc đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc nông sản, người tiêu dùng được chia sẽ thông tin có liên quan đến sản phẩm như vùng trồng, đơn vị đóng gói, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, đơn vị dịch vụ thực phẩm, ….
Ông Trịnh Tuấn Kiên trình bày tại lớp tập huấn
Tại phần thảo luận và giải đáp, các Hội viên nông dân rất quan tâm đến việc đăng ký mã số mã vạch và mã QR code truy xuất nguồn gốc đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam, bưởi, quýt tại địa phương.
Tại lớp tập huấn, ông Lý Thái Hùng đã thông tin đến đại biểu về Kế hoạch 3338/KH-UBND ngày 14/7/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện đề án “Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó kế hoạch có hỗ trợ thí điểm xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó trái cam, bưởi, quýt Bắc Tân Uyên nói riêng tự tin xuất khẩu đi các quốc gia trong và ngoài khu vực./.
Minh Đức