Bình Dương: Tổng kết công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính và thực hiện Đề án 06 năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
Sáng ngày 10/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính và thực hiện Đề án 06 tỉnh Bình Dương năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đến tham dự Hội nghị có các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo Dự thảo báo cáo, trong năm qua, việc chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số cũng như hoàn thiện khung pháp lý được chú trọng tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh được kiện toàn do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban với 40 thành viên tham gia, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Tổ báo cáo viên chuyển đổi số cấp tỉnh phát huy hiệu quả; 19 Sở, ban, ngành và 9/9 huyện thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc chuyển đổi số của đơn vị. Các kế hoạch giai đoạn, hàng năm được cụ thể hóa và thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Hệ thống camera giám sát an ninh để phục vụ phát triển đô thị thông minh cũng như giám sát, xử lý các vi phạm về trật tự, an ninh xã hội phân cấp đầu tư, tránh trùng lắp; hạ tầng số được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại hóa; nhiều CSDL ở các lĩnh vực kinh tế xã hội được kết nối, chia sẻ; Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Dương đã được hợp nhất với các tiện ích; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã thu thập, kết nối dữ liệu và tích hợp lên hệ thống IOC hơn 1.000 chỉ số ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội; Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) giám sát kết nối toàn bộ hệ thống thông tin của tỉnh (01 ở tỉnh và 09 ở cấp huyện) và 2000 máy trạm người dùng, đồng bộ dữ liệu với Trung tâm giám sát an toàn thông tin quốc gia.
Về kinh tế số, toàn tỉnh có 43.117 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 8.075 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp dịch vụ CNTT và các dịch vụ số khác, có 41.162 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số cho hoạt động của đơn vị mình và Tỉnh cũng đã tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số để tuyên truyền, định hướng cho các doanh nghiệp thực hiện, đặc biệt chú trọng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về xã hội số, hiện nay có 82% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp khác; 89% người dân biết kỹ năng về CNTT và truyền thông. Tổ công nghệ số cộng đồng với 586 tổ, 3.329 thành viên bước đầu hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số; đang mở rộng phạm vi tổ công nghệ số cộng đồng đến các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn…
Về công tác triển khai Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2023, tầm nhìn đến năm 2030), Tỉnh đã thực hiện tuyên truyền Đề án 06 thông qua báo, đài, trang thông tin điện tử, fangpage của các đơn vị, địa phương, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã. Công an tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn đã tổ chức triển khai Kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức ký kết Kế hoạch và ký cam kết thực hiện chỉ tiêu hướng dẫn hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Qua đợt triển khai 15 ngày cao điểm (giai đoạn 1 từ 16/3 đến 31/3/2023) toàn tỉnh đã kích hoạt thành công 126.181 tài khoản định danh điện tử, đạt 122,51% so với chỉ tiêu 103.000 tài khoản định danh điện tử.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Trong năm 2023, đây là năm dữ liệu số quốc gia, Tỉnh sẽ tập trung vào thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng về dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn, an ninh mạng. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực. Ứng dụng có hiệu quả Đề án 06, định danh và xác thực điện tử, chủ động, ưu tiên nguồn lực trong việc tổ chức triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 70%, 60%, 55% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, hoàn thành các chỉ tiêu liên quan đến dịch vụ công trực tuyến đặt ra năm 2023 trước tháng 9/2023.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính với các hình thức đa dạng, phong phú. Phát huy hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh khai thác các hình thức tuyên truyền hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đến từng nhóm đối tượng và từng khu vực dân cư.
Ngọc Trang