Bình Dương: Triển khai Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh
Trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức do hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội liên tiếp xảy ra trên nhiều quốc gia. Đồng thời, bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Đứng trước những thách thức này, Tăng trưởng xanh được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đó, Tăng trưởng xanh là một chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Chiến lược này cũng góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được xác định là chiến lược quốc gia, là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tăng trưởng xanh là nội dung của chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược này tập trung vào 03 nội dung chính bao gồm xanh hóa sản xuất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Để đạt được các mục tiêu trong chiến lược này, Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách và công cụ thực hiện sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển nông nghiệp thông minh…
Cũng như các nước phát triển khác, Việt Nam đang gặp những trở ngại về vấn đề tăng trưởng xanh. Hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thường có trình độ công nghệ thấp. Việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái đang là một thách thức đối với các nhà quản lý, GS.TS.Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển phân tích.
Và để giải quyết trở ngại này cần có lộ trình và sự giúp đỡ của các nước phát triển trong chuyển giao công nghệ mới; đầu tư về khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm gần đây, Bình Dương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu Tăng trưởng xanh. Đặc biệt, trong năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 1847/KH-UBND ngày 04/5/2018 về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.
Mục đích của Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp thực hiện Quyết định só 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020; tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân đang sinh sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cùng chung tay xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững; triển khai các dự án thuộc kế hoạch bảo vệ môi trường, Tăng trưởng xanh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên… tập trung vào 04 chủ đề sau:
- Chủ đề 1: Xây dựng kế hoạch hành động của UBND tỉnh về Tăng trưởng xanh như nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn dân vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; xây dựng kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của tỉnh; tham gia các hoạt động quốc tế xúc tiến và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Tăng trưởng xanh; tổ chức xây dựng Đề án thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh, quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về Tăng trưởng xanh;…
- Chủ đề 2: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; đổi mới công nghệ, cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng;…
- Chủ đề 3: Thực hiện xanh hóa sản xuất thông qua việc Rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành xây dựng từ quan điểm phát triển bền vững và xây dựng khung chính sách, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành tài nguyên và môi trường; hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh, đổi mới công nghệ;…
- Chủ đề 4: Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững bằng cách cải thiện hạ tầng kỹ thuật, đổi mới công nghệ theo hướng bền vững ở một số đô thị chọn lọc; đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng theo hướng xanh hóa;…
Đồng thời, trong quý II/2018, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp tham mưu và báo cáo cho UBND tỉnh các hoạt động số 12,27, 35 và 36. Cụ thể, phát triển đổi mới công nghệ và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu, nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng mới; rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ từ quan điểm phát triển bền vững và xây dựng khung chính sách, kế hoạch hành động phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh của nền kinh tế; hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh, đổi mới công nghệ.
Tiến Phúc