Bộ Công Thương phán quyết vụ DN thép tranh cãi
Theo các doanh nghiệp, thuế suất nhập khẩu phôi thép nếu được tăng lên sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo. Điều này khiến phần lớn các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường. Như vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được Bộ Công Thương áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.
Hình minh họa
Riêng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước kém phát triển, nếu số lượng hàng hoá nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra và tổng lượng hàng hoá nhập khẩu các nước đó vào Việt Nam dưới 9% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra sẽ không bị áp dụng biện pháp tự vệ.
Trước đó, ngày 25/12/2015, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài do nhóm 4 công ty yêu cầu bao gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trên đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu của phôi thép và thép dài. Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466.817 tấn năm 2012 lên 1,502 triệu tấn vào năm 2015. Với thép dài, từ 387.470 tấn năm 2012 đã tăng lên 1,215 triệu tấn năm 2015.
Mới đây nhất, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lại tiếp tục có văn bản kiến nghị cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn trong năm 2016. Với tình hình này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.
Trên cơ sở xem xét, nghiên cứu thông tin từ các Bản trả lời câu hỏi điều tra do các bên liên quan cung cấp, từ ngày 29/1 – 23/2/2016, Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước.
Tuy nhiên, việc Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ lại vấp phải sự phản ứng của một nhóm sáu doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp này cán thép từ phôi thép nhập khẩu, nhưng cũng có cả doanh nghiệp sản xuất phôi, điển hình là Pomina.
Cần lưu ý là, 6 doanh nghiệp chỉ phản đối áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép, không phản đối áp dụng biện pháp tự vệ với thép dài.
Lý giải cho việc phản đối, các doanh nghiệp cho hay, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp cần cạnh tranh sòng phẳng và mức thuế 10% đối với phôi thép như hiện nay là vừa đủ.
Theo các doanh nghiệp, thuế suất nhập khẩu phôi thép nếu được tăng lên sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo. Điều này khiến phần lớn các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường. Như vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép
(Theo: chinhphu.vn)