Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết này trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Với quan điểm đổi mới tư duy, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các thế mạnh sẵn có để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng.
Tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung (KTTĐ). Xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch, thể hiện được vai trò "đầu tàu" của vùng KTTĐ với cách làm đổi mới sáng tạo, không tư duy dàn trải, cát cứ.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng mang tính kết nối vùng, nhất là các dự án giao thông liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của địa phương để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Tăng cường đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới.
Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về xây dựng tổ chức và thực hiện quy hoạch do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Về huy động nguồn lực đầu tư phát triển, các Sở, Ban, ngành tăng cường huy động đa dạng các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng.
Về đào tạo và sử dụng lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xác định nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp bố trí đủ cho các dự án quan trọng, quy mô lớn, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng, các Sở, ban, ngành tích cực phối hợp với các bộ chủ quản, cơ quan trung ương liên quan và các địa phương trong vùng KTTĐ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội.
Về cơ chế điều phối vùng KTTĐ, Các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các địa phương trong vùng KTTĐ, phát huy vai trò động lực, kết nối vùng KTTĐ.
Về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, là thế mạnh của tỉnh và trọng tâm phát triển của vùng.
Dương Tuấn