Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2017 và 14 bậc so với năm 2016
Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ đánh giá xếp hạng.
WIPO vừa công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số ĐMST năm 2018 vào ngày 10/7/2018 tại New York với phương pháp đánh giá có thay đổi so với các năm trước. Cụ thể, GII 2018 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.
Tuy nhiên, phương pháp tính được thay đổi về số lượng chỉ số, nội hàm chỉ số và phương pháp tính toán chỉ số.
Năm 2018, chỉ số GII của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 02 bậc so với năm 2017, lên vị trí 45 trên 126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng, và tăng 14 bậc so với xếp hạng năm 2016. Cụ thể: Thể chế vĩ mô được cải thiện đáng kể, điển hình như chỉ số về Nâng cao hiệu quả Thực thi pháp luật tăng từ hạng 74 lên hạng 57; chỉ số về Môi trường kinh doanh tăng 10 bậc. Nhóm chỉ số về Trình độ thị trường tiếp tục có sự cải thiện với chỉ số về Tín dụng tiếp tục tăng từ hạng 17 lên hạng 15. Nhóm chỉ số về Trình độ kinh doanh tăng 7 bậc, là nhóm có sự cải thiện thứ hai sau Thể chế. Trong đó, đáng kể nhất là chỉ số Chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số Chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc lên thứ 48, và chỉ số Hợp tác Đại học và Doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59. Đặc biệt, với chỉ số mới về sáng tạo trực tuyến là chỉ số Tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.
Minh Thanh