Chính sách Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025
Ngày 12/12/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã chính thức thông qua Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025. Trước đó, ngày 31/7/2019 Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND về việc giao cho Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Sau đây là tóm tắt nội dung chính của chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong năm 2019.
1. Đối tượng áp dụng:
- Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp; Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu).
- Cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2. Nội dung hỗ trợ:
2.1. Hỗ trợ hoạt động truyền thông về khởi nghiệp: Hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông liên quan các hoạt động khởi nghiệp (công tác hỗ trợ, đầu tư, các điển hình khởi nghiệp).
2.2. Hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp sáng tạo
- Hỗ trợ 30% kinh phí tối đa 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng)/dự án đối với dự án sửa chữa lần đầu (sửa chữa, cải tạo, mua sắm trang thiết bị); tối đa 200 triệu đồng/1 đơn vị nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật để hình thành Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
- Hỗ trợ thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN, ươm tạo công nghệ.
2.3. Hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tượng khởi nghiệp sáng tạo
Hỗ trợ chi phí tham gia không gian làm việc chung, phòng thí nghiệm Fablab, tiện ích và dịch vụ trong các Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở ươm tạo trong vòng 6 tháng: 100% chi phí (Cơ sở công lập); 50% chi phí, tối đa 02 triệu đồng/tháng (Cơ sở ngoài công lập)
2.4. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp sáng tạo
a) Hỗ trợ mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp: 100% tổng kinh phí (Đơn vị sự nghiệp do NSNN bảo đảm hoặc một phần chi thường xuyên); 50% tổng dự toán kinh phí, tối đa 300 triệu đồng/bản quyền hoặc hợp đồng (Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên);
b) Hỗ trợ thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp.
2.5. Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo
a) Hỗ trợ đào tạo đội ngũ huấn luyện, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo của một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để hình thành mạng lưới huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo: 100% chi phí (Dành cho các cơ sở công lập); 50% chi phí, tối đa 20 triệu đồng/người/khóa/năm (Dành cho các cơ sở ngoài công lập);
b) Hỗ trợ cho cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp: 100% chi phí tham dự (Do các cơ sở công lập tổ chức); 50% chi phí tham dự, tối đa 20 triệu đồng/người/khóa/năm (Do các cơ sở ngoài công lập tổ chức).
2.6. Hỗ trợ liên kết, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo: Các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo; kết nối mạng lưới hỗ trợ, chuyên gia trong khu vực và thế giới về khởi nghiệp sáng tạo.
2.7. Hỗ trợ thúc đẩy, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: 100% kinh phí dành cho các hoạt động tổ chức các cuộc thi, chi phí đi lại, ăn, ở, vận chuyển, trưng bày sản phẩm tại các cuộc thi, sự kiện (tối đa 10 triệu đồng/đội tham gia trong nước; 50% kinh phí tham gia các cuộc thi quốc tế);
2.8. Hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ một phần kinh phí trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ; sử dụng không gian số...
1. Đối tượng áp dụng
- Đơn vị đại diện nguồn vốn nhà nước thực hiện đầu tư cho doanh nghiêp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương (BDIF);
- Đơn vị được đầu tư: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đáp ứng các điều kiện sau:
+ Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, khả năng tăng trưởng nhanh. Doanh nghiệp có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
+ Được lựa chọn thông qua một trong các tổ chức, hoạt động: 1/Các khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo; 2/Được nhận các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; 3/Được cấp Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế; 4/Được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; 5/ Được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng.
+ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo hoạt động thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh và được ít nhất một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo lựa chọn đầu tư. Ưu tiên đầu tư đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động tại tỉnh Bình Dương.
2. Phương thức đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
- Vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương cho một doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cùng đầu tư.
- Thời hạn đầu tư Ngân sách nhà nước cho mỗi dự án khởi nghiệp tối đa 5 năm kể từ thời điểm đầu tư tùy theo quy mô dự án khởi nghiệp. Thời điểm đầu tư được tính từ ngày ký kết hợp đồng đầu tư giữa Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương với doanh nghiệp nhận đầu tư.
- Trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm đầu tư, Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương tiến hành chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và phải thực hiện nộp về ngân sách nhà nước. Việc chuyển nhượng vốn đầu tư được ưu tiên cho các nhà đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp và thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Có thể nói đến cuối năm 2019, tỉnh Bình Dương cơ bản đã ban hành cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ đối tượng khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai chính thức những hoạt động hỗ trợ sẽ chính thức bắt đầu sau khi Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành (dự kiến vào Quý I/2020).
Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ
Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương.
- Địa chỉ: Tầng 11, Tháp A, Trung tâm Hành chính tỉnh, Phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương;