Chương trình đột phá “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”
Về chương trình đột phá “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020” nhằm hướng đến xây dựng nguồn nhân lực với số lượng và cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Sáng ngày 21/4/2016, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chủ trì phiên họp lần thứ 97 thông qua dự thảo Chương trình đột phá “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”. Đến dự phiên họp có Ban lãnh đạo UBND tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo sở, ngành và đại diện các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có ông Ngô Văn Dinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tham dự.
Tại phiên họp, đại diện Sở Nội vụ đã thông qua kết quả sau 05 năm thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015”, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện 10 đề án đảm bảo nguồn nhân lực trên địa bàn. Đi cùng với các đề án, tỉnh còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đều nhiệt tình và tận tụy với công việc, luôn có ý thức học tập nâng cao trình độ. Cụ thể, có 69,64% tỷ lệ CBCCVC có trình độ từ cao đẳng trở lên; 95% công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên; 50,49% giáo viên mầm non, 85,37% giáo viên tiểu học và 99,01% giáo viên trung học cơ sở trên chuẩn…
Quang cảnh Phiên họp lần thứ 97
Về chương trình đột phá “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020” nhằm hướng đến xây dựng nguồn nhân lực với số lượng và cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 80%; đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo theo tiêu chuẩn và quy hoạch cán bộ. Riêng cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện sẽ đảm bảo 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi được bổ nhiệm vào ngạch; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật và bồi dưỡng đạo đức công vụ;… Đối với viên chức, thực hiện đào tạo và thu hút sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường về công tác tại tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp công lập…
Theo đó, để đạt được mục tiêu của Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và toàn xã hội về vai trò của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các đề án, kế hoạch nâng cao chât lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 và tăng cường phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách tài chính và xã hội hóa trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại phiên họp
Phát biểu kết luận tại phiên họp, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Chương trình và giao Sở Nội vụ tổng hợp, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các sở, ngành để điều chỉnh hoàn thiện dự thảo Chương trình. Đồng thời, ông đề nghị Sở Nội vụ cần tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan tổ chức Tỉnh ủy trong đánh giá, xây dựng mục tiêu đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; lấy ý kiến của trường đại học và trường chính trị về đào tạo nâng cao ở các lĩnh vực, thu hút giáo viên; xác định rõ nguyên nhân, hạn chế nhằm đưa ra những biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần xác định tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao tại các ngành, các lĩnh vực thương mại, tài chính, thương mại, viễn thông, dịch vụ, nông nghiệp… đặc biệt, quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên tại các trường; y, bác sĩ trong công tác khám, chữa bệnh.
Thùy Dương