Chương trình hành động: Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Có ít nhất 35.000 - 40.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 3-5% doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Ngày 26/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 1923/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 6/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Với nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực; việc ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm thực hiện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định của pháp luật; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chương trình hành động cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể như:
Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp: Công khai, minh bạch tất cả thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh thành lập, công khai và vận hành đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh…
Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo: Nhiệm vụ này quy định Sở Khoa học và công nghệ phải sớm triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau khi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
Một góc quang cảnh "Hội nghị Bảo hộ nhãn hiệu, lợi ích và sự cần thiết đối với doanh nghiệp"
Nhiệm vụ bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp: Trong nhiệm vụ này, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn Quỹ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp: Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân sách; đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế chính sách về tài chính, thuế, Hải quan; nâng cao chất lượng giao thông vận tải, dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao…
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp: Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự… Tăng cường đổi mới thủ tục hành chính trong hoạt động của Tòa án nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi liên hệ công tác.
Mai Hà