Đề án Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mắc ca là cây trồng nhập nội, mới được gây trồng, phát triển ở Việt Nam, việc phát triển vùng trồng Mắc ca cần được nghiên cứu, triển khai từng bước thận trọng, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu của thị trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, sản lượng Mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm Mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.
Đề án đưa ra một số giải pháp về khoa học, công nghệ; tổ chức sản xuất; thị trường tiêu thụ; cơ chế, chính sách; nguồn vốn đầu tư; hợp tác quốc tế… Trong đó, giải pháp về khoa học, công nghệ được ưu tiên với việc tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm làm đa dạng bộ giống Mắc ca theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái. Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, tập trung cho vùng Tây Bắc để có đủ nguồn vật liệu sản xuất giống; hoàn thiện và làm chủ công nghệ nhân giống vô tính cây Mắc ca ở quy mô công nghiệp; nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, ghép cải tạo theo mục tiêu Đề án.
Xây dựng và chuyển giao quy trình trồng thuần, trồng xen Mắc ca cho từng tiểu vùng; quy trình sản xuất Mắc ca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm Mắc ca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc mua công nghệ, thiết bị cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến các sản phẩm Mắc ca phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hoàng Anh