Đề án thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ngày 28/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu của Đề án là xác định được phạm vi, quy mô các đối tượng triển khai mô hình thí điểm; Đề xuất được các giải pháp cụ thể, các tiêu chí nhằm hướng tới tăng trưởng xanh cho các đối tượng triển khai thí điểm; đánh giá sơ bộ hiệu quả mang lại từ các mô hình đề xuất; lập được kế hoạch triển khai các mô hình thí điểm với các mốc thời gian cụ thể, đơn vị thực hiện, nguồn kinh phí…
Với nhiệm vụ là đề xuất các dự án, đề án, các mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ để thực hiện thí điểm ở một số ngành sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống, công nghiệp chế biến, năng lượng, phát triển đô thị, hoạt động vận tải, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, văn hóa (lối sống cộng đồng, hành vi tiêu dùng), giáo dục, y tế... Đồng thời, luận chứng tính khả thi, khả năng nhân rộng sau khi thực hiện thí điểm và các giải pháp tổ chức thực hiện từng dự án, đề án, mô hình thí điểm cụ thể. Đề án cũng đã đưa ra 2 nhóm mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội:
Trong nhóm lĩnh vực kinh tế có 4 mô hình: (1) Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi gia súc với mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học với chi phí đầu tư nhỏ, không chiếm nhiều diện tích đất; thu hồi được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại chỗ (trong đun nấu, thắp sáng) và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao nhận thức đến các hộ nông dân, chủ trang trại chăn nuôi; (2) Mô hình xanh hóa vườn cây có múi với mục tiêu giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực về năng lượng, nước tưới, hóa chất nông nghiệp, giảm ô nhiễm tài nguyên đất, nước, không khí góp phần bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng hóa chất độc hại; nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất sạch hơn, xanh hơn hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho vùng chuyên canh trái cây có múi. (3) Mô hình xanh hóa làng nghề sản xuất ngành nghề nông thôn truyền thống với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, hộ sản xuất, cộng đồng dân cư tại các làng nghề về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống... (4) Mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và thúc đẩy các doanh nghiệp từ trạng thái sử dụng năng lượng kém hiệu quả, gây ô nhiễm sang trạng thái sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong nhóm lĩnh vực xã hội có 4 mô hình: (1) Mô hình tiết kiệm nước tưới cho cây xanh, vườn hoa tại đô thị nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm nước ngọt tưới cây, góp phần tạo không gian xanh, mỹ quan đô thị; (2) Mô hình xanh hóa khu nhà trọ tác các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi tiêu dùng, lối sống cho cộng đồng công nhân sinh sống trong các khu nhà (phòng) trọ về sử dụng bao bì, phân loại rác thải sinh hoạt, tiết kiệm điện, nước sinh hoạt hằng ngày, hay việc xanh hóa không gian nhà trọ; (3) Mô hình trường học xanh với mục tiêu giáo dục học sinh cách sống khỏe mạnh; ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường, lớp, môi trường sống xung quanh; tạo cho học sinh một môi trường học tập và sinh hoạt, vui chơi an toàn, sạch sẽ và (4) Mô hình bệnh viện xanh nhằm Xây dựng không gian thăm khám, nghỉ dưỡng sạch sẽ, yên tĩnh, nhiều bóng mát gắn với các hoạt động khám chữa bệnh...
Mỹ Linh