Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa
b. Cấp quản lý nhiệm vụ: cơ sở
c. Tổ chức chủ trì: Bảo tàng tỉnh Bình Dương
d. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Nguyễn Văn Quốc
e. Mục tiêu nghiên cứu:
- Hình thành bộ Tổng tập toàn bộ 124 ngôi đình trong tỉnh với tất cả các yếu tố vật thể và phi vật thể (vị trí địa lý, lịch sử hình thành và phát triển, kiến trúc, văn hóa chữ Hán Nôm, sắc phong, thần tích/thần phả của các vị thần được thờ tự trong đình, các lễ hội tổ chức trong đình, nghi thức cúng, văn cúng, các hình thức diễn xướng, ảnh tư liệu...) nhằm phục vụ công tác lưu trữ tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về đình thần Bình Dương để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, giáo dục trước mắt và lâu dài.
- Làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của đình thần trong đời sống cộng đồng cư dân địa phương. 10 - Xác định phương hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong tình hình đổi mới của đất nước. - Sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành, nhóm nghiên cứu đề tài sẽchuyển giao cho ngành văn hóa, chính quyền địa phương để sử dụng trong công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa của địa phương mình.
f. Tóm tắt:
Sau 2 năm thực hiện đề tài “đình thần Bình Dương giá trị lịch sử - văn hoá”, nhóm thực hiện đề tài đã hoàn tất công tác điều tra, khảo sát 124 đình thần ở tỉnh Bình Dương. Đồng thời, tư liệu hoá 124 đình thần thành 62 chuyên đề điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá các đình thần ở tỉnh Bình Dương và 14 chuyên đề đánh giá, nhận định về đình thần Bình Dương. Trên phương diện tổng thể, đề tài “đình thần Bình Dương giá trị lịch sử - văn hoá” đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, đề tài đã hệ thống hoá các thuật ngữ sử dụng phổ biến trong thiết chế văn hoá đình thần và đưa ra hệ giá trị lịch sử - văn hoá làm khung tham chiếu trong hoạt động nghiên cứu đình thần ở Bình Dương.
Thứ hai, trên cơ sở các thông tin thu thập qua việc điều tra, khảo sát và sưu tâm tư liệu, nhóm thực hiện đã khái lược quá trình hình thành và phát triển đình thần ở tỉnh Bình Dương.
Thứ ba, đề tài đã đúc rút những giá trị lịch sử đình thần Bình Dương thông qua thiết chế văn hoá tâm linh tín ngưỡng thờ Thành Hoàng tại các đình thần; văn hoá Hán - Nôm còn lưu lại trong các sắc phong, văn cúng, các hoành phi và liễn đối ở các đình thần.
Thứ tư, đề tài bước đầu nhận diện tổng thể cảnh quang, kiến trúc nghệ thuật và rút ra những giá trị về: cảnh quang kiến trúc, hệ thống rường cột - khung chịu lực và mỹ thuật trang trí đình thần Bình Dương.
Thứ năm, đề tài tổng hợp các hoành phi, liễn đối và văn cúng Hán - Nôm các đình thần trong tỉnh Bình Dương. Qua đó đúc rút các giá trị tiêu biểu trong văn hoá Hán - Nôm như: giá trị nội dung, giá trị mỹ thuật và giá trị lịch sử các hoành phi, liễn đối, văn cúng.
Thứ sáu, thông qua nghi thức thờ cúng Thành Hoàng tại các đình thần tỉnh Bình Dương, đề tài đã làm sáng rõ các giá trị lễ hội đã và đang còn duy trì thực hành tại các đình thần. Ngoài việc khẳng định ý nghĩa các nghi lễ trong nghi thức cúng đình, đề tài còn nêu bật giá trị về mặt tâm linh tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, thị hiếu và tính cố kết trong cộng đồng dân cư. Hơn nữa, đề tài còn đút kết một số quan điểm về nhận thức tự nhiên và xã hội của cộng đồng dân cư thực hành tín ngưỡng thờ Thành Hoàng.
Thứ bảy, trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát và thu thập tư liệu của 124 đình thần ở tỉnh Bình Dương, nhóm nghiên cứu đã đút kết những đặc điểm, đặc trưng của đình thần Bình Dương. Những đặc điểm, đặc trưng ấy phản ánh: Một là, nguồn gốc hình thành và phát triển đình thần Bình Dương gắn với lịch sử phát triển của địa phương; Hai là, thực trạng cơ sở vật chất các đình thần ở Bình Dương, đặc biệt là những đình thần cấp tỉnh, cấp quốc gia có bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật; Ba là, thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Thành Hoàng (lễ hội) tại các đình thần trong tỉnh Bình Dương.
Thứ tám, đề tài cũng đã làm sáng rõ những biến đổi của thiết chế văn hoá đình thần Bình Dương trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Những biến đổi ấy biểu hiện trên 3 phương diện cơ bản: đối tượng thờ tự, chức năng và nghi lễ thờ cúng các đình thần ở tỉnh Bình Dương.
Thứ chín, đề tài đã định vị và chấm toạ độ các đình thần trên bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương. Qua đó dễ dàng nhận thấy sự phân bố các đình thần ở tỉnh Bình Dương và có thể sử dụng để kết hợp khai thác các tuor du lịch trong tỉnh.
Thứ mười, đề tài đề xuất các nhóm giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá - đình thần Bình Dương.
g. Lĩnh vực nghiên cứu:
h. Phương pháp nghiên cứu:
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, bao gồm: văn hóa học, bảo tàng học, lịch sử học, nhân học văn hóa, nhân học xã hội, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn bản học… Trong đó, đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: Điều tra điền dã (phỏng vấn định tính, định lượng), thống kê, mô tả, phân tích, tổng hợp, so sánh… để đi sâu phân tích từng bộ phận, từng mặt, từng yếu tố cấu thành đối tượng nghiên cứu. Từ đó, khái quát nên thực trạng, đặc điểm chung của đình thần Bình Dương; làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa, vai trò của đình thần trong đời sống tinh thần của người dân địa phương và đề ra các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
i. Thời gian thực hiện: 2017-2019
j. Kinh phí phê duyệt: 630 triệu