Doanh nghiệp Bình Dương với sở hữu trí tuệ
Nhờ có sở hữu trí tuệ, các nhà sáng tạo mới tạo ra nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng mới thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các đối tượng sở hữu trí tuệ. Hàm lượng trí tuệ trong chỉ số tăng trưởng GDP tăng nhanh, sẽ tạo ra một phong trào thi đua lao động sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến - sáng chế ở cơ sở, nâng cao dân trí bằng việc bảo hộ bản quyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ. Ðó chính là con đường duy nhất giúp các nước nghèo thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Ngày nay, tài sản vô hình ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Khi đã thực sự là thành viên WTO và đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng, khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm...
Nhờ có sở hữu trí tuệ, các nhà sáng tạo mới tạo ra nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng mới thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các đối tượng sở hữu trí tuệ. Hàm lượng trí tuệ trong chỉ số tăng trưởng GDP tăng nhanh, sẽ tạo ra một phong trào thi đua lao động sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến - sáng chế ở cơ sở, nâng cao dân trí bằng việc bảo hộ bản quyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ. Ðó chính là con đường duy nhất giúp các nước nghèo thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Vậy, sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bạn như thế nào? Bất kể doanh nghiệp của bạn sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ gì thì chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn cũng đang tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, bạn nên xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này. Nếu bạn đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bạn phải xem xét việc mua chúng hoặc nhận được quyền sử dụng các quyền đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (hay còn gọi là hợp đồng li-xăng) để tránh những tranh chấp hoặc kiện tụng tốn kém sau này.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có tên thương mại hoặc sở hữu một hoặc nhiều nhãn hiệu và nên cân nhắc việc bảo hộ những đối tượng này. Cần nhớ rằng quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp của bạn từ mọi khía cạnh của việc phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh: từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính đến việc xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua các hợp đồng li-xăng hoặc nhượng quyền kinh doanh (hay còn gọi là “franchising”).. Các đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) như kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý... luôn xuất hiện và gắn chặt trên các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, trở thành dấu hiệu nhận diện, giúp phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp khác. SHTT còn góp phần tạo ra giá trị cho doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư hiệu quả thông qua các hình thức chuyển giao quyền SHTT.
1. Tình hình xác lập quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang tham gia ngày càng sâu rộng trong quá trình phát triển kinh tế, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn thu ngân sách và sự tăng trưởng GDP của tỉnh nhà.
Kết quả đạt được
Trong những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã nhận thức đúng đắn về vai trò của tài sản trí tuệ, vai trò của việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHTT đối với chiến lược kinh doanh dài hạn, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ được cấp của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước.
Theo thống kê của Cục SHTT, trong giai đoạn 2011- 2015, trung bình mỗi năm tỉnh Bình Dương có khoảng hơn 800 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Thống kê đơn và văn bằng sở hữu công nghiệp của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015
Tính đến năm 2015, tỉnh Bình Dương có 2.474 văn bằng được cấp. Trong đó, nhãn hiệu là 2.471 văn bằng (chiếm 93%); kiểu dáng công nghiệp là 167 văn bằng (chiếm 5%); sáng chế và giải pháp hữu ích là 3 văn bằng (chiếm 1%). Hiện tại, tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng đơn và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Tổng số văn bằng sở hữu công nghiệp của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015
Hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc bảo hộ quyền SHTT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như:
- Số lượng văn bằng bảo hộ SHCN chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh (cụ thể là số lượng đơn và văn bằng về KDCN và sáng chế/giải pháp hữu ích còn rất hạn chế).
- Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố đang diễn biến ngày càng phức tạp về tính chất, mức độ và phạm vi xâm phạm.
2. Nguyên nhân
Những tồn tại trên xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
Về phía các doanh nghiệp
- Phần lớn các doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề phát triển tài sản trí tuệ và bảo vệ quyền SHTT đều là những doanh nghiệp lớn, có chiến lược kinh doanh dài hạn và bền vững. Trong khi đó, việc bảo hộ quyền SHTT vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
- Một số doanh nghiệp vẫn chưa hình thành ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. Lợi dụng sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật của bộ phận người tiêu dùng, thậm chí của chính đối thủ cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã cố ý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác, tiến hành các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi, kinh doanh bất hợp pháp.
- Một bộ phận doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp với cơ quan quản lý trong quá trình thực thi quyền SHTT. Các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan nhà nước. Chỉ khi xảy ra tranh chấp quyền SHTT, họ mới tìm đến các cơ quan chức năng để giải quyết, việc này gây ra rất nhiều tổn thất về chi phí và thời gian cho doanh nghiệp khi theo đuổi vụ việc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi phải phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho các cơ quan quản lý và thực thi quyền, khiến quá trình thanh tra, giải quyết các vụ việc gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về sở hữu trí tuệ còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi.
Về phía các cơ quan quản lý
Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía doanh nghiệp, cũng phải kể đến những nguyên nhân từ phía bộ máy quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương và cơ chế đảm bảo thực thi quyền SHTT:
- Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác sở hữu trí tuệ vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đặt ra của công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương. Một số cơ quan thực thi vẫn chưa thực sự chủ động trong công tác phối hợp do thiếu nguồn nhân lực chuyên môn.
- Cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, biểu hiện vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít, mà chủ yếu được giải quyết ở các cơ quan hành chính. Đây cũng là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc.
3. Giải pháp thực hiện
Về phía các doanh nghiệp
- Trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp của thành phố, đặc biệt là những doanh nghiệp phải nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của tài sản trí tuệ, tự trang bị cho mình các kiến thức cần thiết về pháp luật sở hữu trí tuệ, có bộ phận chuyên trách về SHTT, coi SHTT là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình.
- Ngoài việc tự đào tạo, doanh nghiệp cần tham gia tích cực các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ quan chức năng như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương…. tổ chức.
- Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể đến trực tiếp tại Sở KH&CN để được hướng dẫn, tư vấn các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT, cách thức tự bảo vệ và bảo vệ quyền SHTT để tránh những xung đột quyền SHTT trong tương lai. Mỗi sản phẩm, dịch vụ nhất định có thể được bảo hộ dưới các hình thức quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải xem xét để lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp nhất và đảm bảo rằng tất cả những quyền Sở hữu trí tuệ phải được xác lập đầy đủ.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan địa phương, đặc biệt chú trọng đề cao vai trò của Tòa án; Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về vai trò của chế tài dân sự trong quá trình xử lý các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thông qua công tác tuyên truyền pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Xây dựng chính sách quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ sở hữu trí tuệ lâu dài và ổn định, đảm bảo lực lượng kế cận; chú trọng, tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm sở hữu trí tuệ tại các cơ quan chuyên môn, tránh tình trạng đào tạo dàn trải, không có kế hoạch.
- Từng bước phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các học sinh, sinh viên, phối hợp với đài PTTH thực hiện các phóng sự về sở hữu trí tuệ, tuyên dương đơn vị làm tốt và phê phán những sai trái vi phạm qua kết quả thanh kiểm tra.
- Phát hành tờ rơi thông tin các hàng hóa vi phạm nhằm “tẩy chay” những đơn vị làm ăn bất chính; và thông tin cho người tiêu dùng nhận biết phân biệt hàng giả, hàng thật, qua đó động viên nhân dân tố giác những địa chỉ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm.
- Đối với người tiêu dùng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp về sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết cũng như ý thức của họ đối với các vấn đề về sở hữu công nghiệp, chống nạn hàng giả, hàng nhái. Từng bước cần tạo lập được tâm lý cho đại bộ phận người tiêu dùng phải tôn trọng quyền sở hữu công nghiệp, không dùng hàng giả, hàng nhái. Đây chính là một trong những nhân tố tích cực giúp triệt tiêu các vi phạm nhãn hiệu và quyền sở hữu công nghiệp khác./.
Minh Đức (Phòng Quản lý chuyên ngành)