Ghi nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ
Nhãn hàng hóa là: bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
I. Nhãn hàng hóa là gì?
1. Nhãn hàng hóa là: bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
2. Nội dung ghi nhãn hàng hóa (Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa) – Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ
lục I của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
3. Vị trí nhãn hàng hóa
Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
4. Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định kích thước của
nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo
đảm các yêu cầu sau đây:
Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP;
Kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ quy định
của pháp luật về đo lường;
b) Trường hợp hàng hóa là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì chiều cao chữ của các nội dung bắt buộc trên nhãn không được thấp hơn 1,2 mm. Đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn (không tính phần biên giáp mí) nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.
5. Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa
Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng
hóa phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số
phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa.
6. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa
Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định khác của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
II. Nội dung ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ gồm những nội dung gì?
Căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 7 (Công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ) Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:
- Nhãn in đính kèm với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải bao gồm các nội dung sau:
+ Tên hàng hóa (ví dụ: lắc đeo tay, dây chuyền, nhẫn vàng, nhẫn đính kim cương…);
+ Tên, mã ký hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất (ví dụ: PAJ, SJC, DOJ...);
+ Hàm lượng vàng (tuổi vàng) được thể hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này (ví dụ: 999 hoặc 99,9% hoặc 24K);
+ Khối lượng vàng và khối lượng của vật gắn trên vàng trang sức, mỹ nghệ (ví dụ: kim cương, saphia, ruby...);
+ Ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này ( Ký hiệu “G.P” nếu sản phẩm là vàng bọc, phủ, mạ trên kim loại nền khác; Ký hiệu “G.F” nếu sản phẩm được nhồi hay làm đầy chỗ trống bằng vật liệu khác và không phải toàn bộ vật phẩm được sản xuất từ vàng hay hợp kim vàng với cùng phân hạng độ tinh khiết; Ký hiệu “C” nếu sản phẩm có lớp phủ mỏng bằng vật liệu phi kim loại và trong suốt; Ký hiệu “P” nếu có lớp phủ mỏng bằng kim loại hay hợp kim khác không chứa vàng; Nếu sản phẩm là vàng được phủ trên nền hợp kim khác hoặc vật liệu khác bằng các phương pháp khác nhau (phủ, dán, cuốn, bọc, mạ...) với tổng lượng vàng (tính theo vàng nguyên chất) từ 1/40 khối lượng của vật phẩm trở lên, cần phải ghi thêm tỷ lệ của lượng vàng so với tổng khối lượng của vật phẩm kèm theo các ký hiệu G.P hoặc G.F nêu trên (ví dụ: 1/40 G.P 24K, 1/20 G.F 18K...).
- Cách thức ghi nhãn trực tiếp trên vàng trang sức, mỹ nghệ (nếu kích thước sản phẩm phù hợp):
+ Mã ký hiệu sản phẩm (ví dụ: PAJ, SJC, DOJ...);
+ Hàm lượng vàng (tuổi vàng) được thể hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này (ví dụ: 999 hoặc 99,9% hoặc 24K);
+ Ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
Nhãn mẫu
Ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ gồm những nội dung được quy định cụ thể trên. Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 7 Thông tư Thông tư 22/2013/TT-BKHCN./.
Minh Đức