Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xem là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tăng năng suất chính là phương thức phát triển bền vững của doanh nghiệp mà không nhất thiết phải tăng vốn, lao động… giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp
Xác định doanh nghiệp là trọng tâm phát triển của nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng đã được Chính phủ ban hành và triển khai vào thực tiễn như: Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg vào ngày 31/8/2020; Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 11/01/2021 theo Quyết định số 36/QĐ-TTg…
Thực hiện các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai các hoạt động cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở địa phương nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Từ đó, nhận thức về phong trào năng suất chất lượng của cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các dự án, các hoạt động đào tạo về năng suất chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cũng như góp phần vào tăng trưởng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Từ kết quả đạt được trong thời gian qua, đã tạo tiền đề và kinh nghiệm thực tế triển khai các hoạt động nâng cao nâng suất chất lượng ở các địa phương. Để cùng chia sẻ những kinh nghiệm triển khai hoạt động này trong thời gian tới cũng như lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của một số doanh nghiệp đã tham gia chương trình năng suất chất lượng trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội thảo khoa học “Năng suất chất lượng: Chia sẻ kinh nghiệm thành công” với các tỉnh, thành trong vùng và khu vực.
Tại hội thảo, theo Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, một tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ, thì việc áp dụng tiêu chuẩn sản phẩm (Organic, GlobalGAP, VietGAP…) và tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng (ISO9001, ISO14001, ISO22000, ISO27001, HACCP…) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho công ty như: Nâng cao thương hiệu cho tổ chức; nâng cao cơ cấu quản lý của tổ chức; đảm bảo sản phẩm thực phẩm an toàn, quyền của người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu và tổ chức quốc tế; có thể áp dụng cho nhu cầu quản lý chất lượng và có hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo khoa học, đại diện Công ty Petrolimex Cà Mau khẳng định “Quản lý chất lượng xăng dầu là vấn đề luôn được các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng quan tâm. Vì đây là mặt hàng thiết yếu, nhưng khi mua hàng người tiêu dùng chỉ có thể mua bằng niềm tin, là loại hàng hóa không nếm được, không nhìn thấy được để xác định chất lượng thật hay giả. Theo đó, triết lý kinh doanh của Petrolimex Cà Mau là đảm bảo chất lượng, số lượng và nguyên tắc quan trọng trong quản lý của Petrolimex Cà Mau là bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng”.
“Hiện nay với 60/328 cửa hàng chiếm 18% cửa hàng toàn tỉnh Cà Mau nhưng sản lượng bán ra của Công ty chiếm 36% thị phần trong tỉnh. Đó là thành quả, là sự cố gắng của Công ty trong thời gian qua đã được người tiêu dùng ghi nhận và Công ty cũng cam kết cung cấp xăng dầu đảm bảo chất lượng để bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng”, đại diện Công ty Petrolimex Cà Mau cho biết thêm.
Về phía cơ quan nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cũng trao đổi về kết quả thực hiện cũng như những thuận lợi, khó khăn khi triển khai hoạt động này. Theo đó, Sở KH&CN đã tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp để các doanh nghiệp địa phương có được những hỗ trợ cần thiết trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính sách tiêu biểu gần đây nhất của địa phương mà Sở KH&CN đã tham mưu là Nghị quyết 44/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành vào ngày 17/8/2021. Trong Năm 2022, Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn 18 doanh nghiệp để tiến hành khảo sát, đánh giá, tư vấn áp dụng Hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến cho doanh nghiệp; tô chức 14 lớp đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp (sau khảo sát) nhận thức chung về các tiêu chuẩn (ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, ISO 45001, SA8000, HACCP, GlobalGap...), 3 lớp đào tạo Online nhận thức chung về Tiêu chuẩn, 01 lớp về giải thưởng chất lượng quốc gia…
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương chia sẻ tham luận tại Hội thảo khoa học
Đặc biệt, tham gia Hội thảo này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng đã có bài tham luận chia sẻ sâu sắc về việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương trong thời gian qua và một số hoạt động động sẽ triển khai trong thời gian tới. Từ đó, Bình Dương cũng đưa ra một số việc trọng tâm cần chú trọng hơn nữa cho việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của phía cơ quan nhà nước cũng như những hoạt động tích cực tham gia từ phía doanh nghiệp. Những nội dung trình bày phía sau sẽ làm rõ hơn cho vấn đề này.
Thực tiễn triển khai tại Bình Dương
Công tác quản lý nhà nước về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Các doanh nghiệp tham gia dự án đều đạt được các kết quả đáng khích lệ, thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001; ISO 22000, VietGAP và các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như: 7 công cụ cải tiến chất lượng; 6 SIGMA; 5S; KAIZEN đã giúp doanh nghiệp tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến, năng lực quản lý và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ phế phẩm, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp cận với công nghiệp 4.0 và chuyển đối số. Các dự án đã từng bước hình thành phong trào năng suất chất lượng trong doanh nghiệp và trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2020, thực hiện Dự án năng suất và chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đã chủ trì, phối hợp cùng nhiều Sở, Ban, Ngành trong tỉnh tham mưu các chính sách, tuyên truyền, vận động... với nhiều hình thức để các doanh nghiệp nhận thức đúng, từ đó, doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch và thực hiện. Kết quả đã có 14 doanh nghiệp xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, Hệ thống phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn phù hợp theo TCVN 5603:2008, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo ISO 22000 và một số hệ thống quản lý chất lượng khác; 07 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, KAIZEN; 7 công cụ quản lý chất lượng; quản lý chi phí dòng nguyên liệu và một số công cụ khác...; hơn 100 doanh nghiệp chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; 12 doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng chất lượng quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều doanh nghiệp tự thực hiện các công cụ nâng cao năng suất chất lượng nhưng không tham gia dự án.
Các doanh nghiệp tham gia Dự án đều đạt được các kết quả đáng khích lệ. Các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng thích hợp, qua đó giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, … đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, cải thiện hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp và nâng cao nâng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thông qua việc ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp doanh nghiệp tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến, năng lực quản lý của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp cận với công nghiệp 4.0. Các dự án đã từng bước hình thành phong trào năng suất chất lượng trong doanh nghiệp và trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về hiệu quả kinh tế, các Doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã tăng được năng suất chất lượng, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, hiệu quả kinh tế mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm tùy theo mức độ áp dụng của doanh nghiệp.
Thực hiện các Kế hoạch và chương trình của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 24/11/2021, Trong giai đoạn tới Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với các nội dung hỗ trợ cụ thể như:
(1) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, tư vấn và chứng nhận các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
(2) Hỗ trợ xây dựng, tư vấn và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
(3) Hỗ trợ Doanh nghiệp áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng.
(4) Hỗ trợ xây dựng, tư vấn và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
(5) Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và công bố hợp chuẩn.
(6) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo.
(7) Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chương trình đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý năng suất, quản lý chuyển đổi số và quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
(8) Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình sản xuất, các quy trình kiểm soát chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
(9) Đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp.
(10) Khen thưởng doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia.
Đề xuất những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới
Về phía các cơ quan quản lý:
Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất cũng như các công cụ quản lý như: ISO 14000, ISO 2200, ISO 9001:2008… với mục đích trợ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất, trình độ quản lý sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng vẫn còn thiếu và yếu, đang trong quá trình hình thành dẫn đến hiệu quả tư vấn chưa cao. Đó là chưa kể đến năng lực tự thân của doanh nghiệp trong nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng còn thấp.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ được triển khai với quy mô rộng hơn, sâu hơn, đồng bộ hơn. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá trong triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng. Từ đó tạo động lực lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương. Cùng với đó, cần phải lựa chọn doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên trong hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ đặc biệt chú ý vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Trong giai đoạn trước, kết quả triển khai thí điểm đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh và đào tạo các kiến thức cơ bản về năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp đã mang lại nhiều tác động tích cực cho lĩnh vực này. Do đó giai đoạn tới, tỉnh sẽ hỗ trợ triển khai đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với mong muốn năng suất chất lượng trở thành văn hóa của doanh nghiệp và của Quốc gia. Hình thành các câu lạc bộ năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
Đối với doanh nghiệp, tỉnh sẽ tập trung vào đào tạo chuyên sâu và trực tiếp tại doanh nghiệp, gắn năng suất chất lượng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chuẩn hóa đội ngũ chuyên gia về năng suất. Đào tạo các khóa về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về phía Doanh nghiệp:
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội hơn nữa để có thêm đột phá trong sản xuất kinh doanh nhờ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là Lãnh đạo Doanh nghiệp phải tâm huyết, dành thời gian theo dõi và giám sát công tác triển khai tại các bộ phận phòng ban. Các chương trình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng các hoạt động nhằm đảm bảo duy trì và cải tiến công tác quản lý. Mỗi thành viên của doanh nghiệp đều phải thực hiện cải tiến năng suất chất lượng do sự hưởng ứng và tham gia của tất cả nhân viên là nhân tố quyết định thành công khi áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng./.
Minh Châu - Thái Hùng