Hỏi - đáp về sở hữu công nghiệp
Nhãn hiệu tập thể thường là của một hiệp hội hoặc một tập thể mà các thành viên của nó có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để quảng bá sản phẩm của mình. Hiệp hội thường thiết lập một hệ thống các tiêu chuẩn nhất định cho việc sử dụng nhãn hiệu tập thể (chẳng hạn như các tiêu chuẩn về chất lượng) và cho phép các thành viên sử dụng nhãn hiệu nếu họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
Nhãn hiệu tập thể là gì?
Theo khoản 17, Điều 4, Luật SHTT Việt Nam Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Nhãn hiệu tập thể thường là của một hiệp hội hoặc một tập thể mà các thành viên của nó có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để quảng bá sản phẩm của mình. Hiệp hội thường thiết lập một hệ thống các tiêu chuẩn nhất định cho việc sử dụng nhãn hiệu tập thể (chẳng hạn như các tiêu chuẩn về chất lượng) và cho phép các thành viên sử dụng nhãn hiệu nếu họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
Hình ảnh: Nhãn hiệu tập thể sơn mài - Điêu khắc Bình Dương
Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể có trách nhiệm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu nhất định của các thành viên (thường được quy định trong quy chế liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể). Do đó, chức năng của nhãn hiệu tập thể là chỉ dẫn cho công chúng về những đặc tính cụ thể nhất định của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể.
Hình ảnh: Nhãn hiệu tập thể Hoa lan Đất Thủ
Nhãn hiệu tập thể thường được sử dụng nhằm khuếch trương các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định. Trong các trường hợp như vậy, việc tạo ra một nhãn hiệu tập thể không chỉ hỗ trợ tiếp thị sản phẩm ở thị trường trong nước và có thể trên thị trường quốc tế mà còn cung cấp cơ sở cho việc hợp tác giữa những nhà sản xuất trong nước. Việc tạo nhãn hiệu tập thể, trên thực tế phải đi kèm với sự phát triển các tiêu chuẩn nhất định cùng với một chiến lược chung. Khi đó, nhãn hiệu tập thể mới có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho phát triển trong nước.
Cần xem xét các sản phẩm có những đặc tính nhất định đặc trưng riêng của người sản xuất ở một vùng nhất định có liên quan đến các điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng. Một nhãn hiệu tập thể có thể được sử dụng để thể hiện các đặc trưng đó và là cơ sở để marketing các sản phẩm nói trên, do đó đem lại lợi ích cho tất cả các nhà sản xuất.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.
Quyền đăng ký nhãn hiệu: Tổ chức hoặc cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc kinh doanh;
Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn thuộc về tổ chức đại diện cho tập thể các cá nhân hoặc chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tương ứng.
Quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, có thể được chuyển giao cho chủ thể khác thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn.
Các tài liệu cần có của đơn
1. Tài liệu tối thiểu
a) Tờ khai đăng ký theo mẫu số 04-NH, Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
b) Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
c) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
2. Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể,nhãn hiệu chứng nhận
Ngoài các tài liệu quy định trên, đơn còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu sau đây:
a) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận.
b) Danh sách thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể.
c) Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý).
d) Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (nếu nhãn hiệu tập thể có sử dụng tên địa danh).
đ) Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).
Một số nhãn hiệu tập thể của tỉnh Bình Dương đã được Cục Sở hữu trì tuệ cấp giấy chứng nhận: Nhãn hiệu tập thể Gốm sứ Bình Dương, Sơn mài Bình Dương, Măng cụt Lái Thiêu, Bưởi Bạch Đằng - Tân Uyên, Bánh tráng Danh Lễ Thanh An, Hiệp Lực Bình Dương, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương, Hoa lan Đất Thủ./.
Minh Đức
Phòng Quản lý chuyên ngành