Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề xuất dự án tham gia Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025
Sáng ngày 24/3/2021, tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (BIIC), Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương tổ chức Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề xuất dự án tham gia Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 đối với dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh từ chất thải và phế phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bình Dương” của KS. Phạm Vũ Việt Hoàng. Chủ trì cuộc họp là PGS.TS Nguyễn Đức Lượng.
Toàn cảnh cuộc họp
Dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng thành công ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh từ chế phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt, chất thải nông ngiệp tại tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn theo quy định tại QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Dự án được xây dựng với những mục tiêu cụ thể như sau: chuyển giao và tiếp nhận được qui trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh ưa nhiệt và chế phẩm sinh học chức năng từ giống sản xuất tại nhà máy sản xuất phân bón của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất điện Minh Tuấn; thiết kế, xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm vi sinh ưa nhiệt và chế phẩm vi sinh chức năng để xử lý và chế biến phụ phế thải chăn nuôi, trồng trọt, chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ đạt chất lượng 500 lít/mẻ; xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh cho một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Dự án đem lại một số hiệu quả kinh tế - xã hội như tận dụng được phế thải trong chăn nuôi, sản xuất và chế biến nông lâm sản để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ compost chất lượng cao sẽ có giá thành thấp, chủ động tại địa phương và hơn hết là giảm ô nhiễm môi trường; tạo việc làm trực tiếp cho từ 20-25 lao động/năm; tạo ra cơ hội cho nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp.
Kết thúc cuộc họp, hội đồng thống nhất đề xuất dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh từ chất thải và phế phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bình Dương” tham gia Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.
Hoàng Anh