Hội nghị “Phổ biến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”
Ngày 18/8/2022, tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức Hội nghị “Phổ biến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục SHTT và ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương.
Toàn cảnh hội nghị
Qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về SHTT, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.
Chính vì vậy, ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (Luật số 07/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật SHTT (trong đó sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 2 điều, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày các vấn đề từ tổng quan đến từng đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như: về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; các vấn đề về khiếu nại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; vấn đề cơ bản về nội dung trong Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trình bày tại hội nghị
Có thể thấy, lần sửa đổi này mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước đến nay. Trong đó, các thay đổi liên quan đến các chế định bảo hộ nhãn hiệu là điều mà các doanh nghiệp quan tâm trước hết.
Liên quan đến nhãn hiệu, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã mở rộng việc bảo hộ đến nhãn hiệu âm thanh bên cạnh nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình. Các tiêu chí đánh giá các nhãn hiệu nổi tiếng, cũng như các căn cứ để từ chối, hủy bỏ hay chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu cũng là những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm và nắm được các quy định mới để vận dụng tốt nhất cũng như bảo hộ nhãn hiệu của mình.
Hoàng Anh