Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ
Sáng 23/5/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và các doanh nghiệp.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ của các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ (SHTT) (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các Bộ, ngành khác ở Trung ương, các cơ quan thực thi quyền SHTT, các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT ở địa phương, các Tổ chức dịch vụ có chức năng hỗ trợ hoạt động SHTT, ý kiến độc lập của các chuyên gia và kết quả của hai cuộc tọa đàm 10 năm thi hành Luật SHTT được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (vào các ngày 22/12 và 27/12/2016), Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT.
Sau khi Luật SHTT được ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Chính phủ đã ban hành 16 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT, trên cơ sở đó, các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về SHTT đã chủ trì xây dựng 19 Thông tư và Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật SHTT và các Nghị định nêu trên. Ngoài ra, còn có 34 văn bản pháp luật (từ Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư) điều chỉnh các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác cũng có một số quy định liên quan đến lĩnh vực SHTT.
Trong giai đoạn từ 01/01/2006 đến 31/12/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 403.914 đơn đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), cấp 231.765 văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng quyền SHCN, tiếp nhận 11.349 đơn khiếu nại liên quan đến hoạt động xác lập quyền SHCN và đã tiến hành xử lý 6.475 đơn. Ngoài ra, Cục SHTT đã cung cấp 1.858 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền SHCN. Trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2015, Cục Bản quyền tác giả đã cấp 43.450 Giấy chứng nhận đăng ký, trong đó có 43.321 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; 129 Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Trong lĩnh vực bảo vệ quyền đối với giống cây trồng, Cục Trồng trọt đã tiếp nhận 927 đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng và cấp 432 Bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
Với sự nỗ lực chung của các cơ quan thực thi quyền SHTT, hoạt động thực thi, bảo vệ quyền SHTT ở nước ta đã thu được một số kết quả tương đối khả quan Các cơ quan Quản lý thị trường trong cả nước đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 179.857 vụ có liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, với tổng số tiền xử phạt là 591.720.045 đồng. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành 386 vụ thanh tra trong lĩnh vực SHCN, xử phạt hành chính đối với 269 vụ, với mức tiền phạt là 7.700.000.000 đồng. Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp với 27.602 máy tính được kiểm tra, ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nộp thu ngân sách nhà nước 8 tỷ 613 triệu đồng; trong môi trường số, đã xử phạt vi phạm hành chính một số công ty có các website lưu trữ, cung cấp và phổ biến đến công chúng số lượng lớn các bản ghi không được sự đồng ý của chủ sở hữu, nộp thu ngân sách nhà nước 227 triệu đồng và yêu cầu buộc tháo gỡ các file âm nhạc vi phạm bản quyền trên máy chủ các công ty này. Các Bộ, ngành khác có liên quan (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương,...), trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ 01/7/2006 dến 30/9/2016, các TAND đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 168 vụ, trong đó có 158 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp quyền SHCN; đã giải quyết 200/235 vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại có liên quan đến SHTT, giải quyết 24 vụ án hành chính trong lĩnh vực SHTT.
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi xoay quanh các nội dung về Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT, về thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính – thực trạng, khó khăn và giải pháp; các vấn đề về khai thác và thực thi quyền SHTT của doanh nghiệp; cấu trúc Luật SHTT, đề xuất giải pháp nhằm thu gọn/giảm bớt đầu mối các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT, đánh giá sự tương thích giữa các quy định của pháp luật với các văn bản luật có liên quan, các vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập quyền và thực thi quyền SHTT....
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, sau 10 năm thực hiện, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ. Đồng thời, Luật đã khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, tăng tính hấp dẫn đối với các chủ thể nước ngoài để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành là hoạt động cần thiết và quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật SHTT, đồng thời chỉ ra các bất cập, hạn chế và đưa ra các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện nhằm phát huy vai trò to lớn Luật SHTT trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hồng Thu – Phòng Quản lý Chuyên ngành