Hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động chuyển đổi số”
Sáng ngày 22/12/2022, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Tin học tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động chuyển đổi số” nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận, làm quen với các khái niệm cơ bản về một số công nghệ 4.0 cũng như khả năng ứng dụng các công nghệ này vào quá trình chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
Bà Huỳnh Bảo Ngọc, Quỹ Phát triển KH&CN phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã dẫn dắt người nghe đi từ lý thuyết đến trải nghiệm mô hình thực tế và tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: mô hình số hóa vận hành của doanh nghiệp; mô hình áp dụng IoT và các chuẩn truyền tin thông dụng, giải pháp cho nhà máy thông minh (Smart Factory), ứng dụng AI trong các giải pháp an toàn thông tin… bên cạnh đó, tại Hội thảo, đại điện Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng tư vấn cho các đại biểu tham dự về các chính sách cho vay khuyến khích phát triển, ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó cho thấy, vào ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ có Ban hành Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và Quyết định số 2117-QĐ/TTg ngày 16/12/2020 về việc Ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đây chính là những cơ sở pháp lý, định hướng quan trọng để chúng ta tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ 4.0 vào trong các hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại đơn vị của mình, vì hoạt động chuyển đổi số cũng chính là hoạt động ứng dụng các công nghệ 4.0 nhằm thay đổi mô hình hoạt động, kinh doanh tại đơn vị hiệu quả hơn.
Trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành KH&CN tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của ngành, cũng như tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực mà ngành phụ trách. Đặc biệt, khuyến khích các tổ chức và cá nhân, nhà khoa học đặt hàng nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bức phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) ...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho biết: Trên thực tế, đã có rất nhiều Hội nghị, Hội thảo và chương trình, dự án về chuyển đổi số được triển khai. Tuy nhiên, về mặt nhận thức, có một số người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa “ứng dụng công nghê thông tin” và “chuyển đổi số”. Một số công nghệ 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, Chuỗi khối. Dữ liệu lớn, Học sâu, Phân tích dữ liệu, Thực tế ảo … nếu được khai thác vận dụng phù hợp sẽ giúp tự động hóa nhiều khâu trong hoạt động nghiệp vụ, tạo nhiều khả năng, cơ hội xử lý công việc qua môi trường mạng và quan trọng hơn hết là công tác dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo. Do đó, nói đến chuyển đổi số mà không nói đến các công nghệ 4.0 sẽ là một thiếu sót lớn.
Ban tổ chức Hội thảo tặng hoa cảm ơn các Diễn giả của Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, ông Huỳnh Anh Tuấn, PCT Hội Tin học, Nguyên Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông tỉnh hy vọng rằng, trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cùng với các đơn vị, cơ quan trong tỉnh tạo điều kiện, kết nối với các doanh nghiệp để tổ chức nhiều sự kiện tương tự như vậy hơn nữa, góp phần hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn, có nhiều lựa chọn về mô hình, giải pháp công nghệ hơn cho hoạt động chuyển đổi số của chính cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình.
Ánh Nguyệt