Hội thảo về Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên
Huyện Bắc Tân Uyên hiện nay có khoảng 2.091 ha cây ăn trái có múi, trong đó có hơn 100 ha được sản xuất theo hướng VietGAP với 61,4 ha đã được cấp giấy chứng nhận.
Nhóm cây ăn trái có múi phát triển ở huyện Bắc Tân Uyên chủ yếu là cam sành, quýt đường và bưởi Da xanh, trồng tập trung ở các xã Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ và Tân Định. Đây là một lợi thế lớn của huyện để phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh, nhưng đồg thời cũng là thách thức không nhỏ trước yêu cầu cần gia tăng khả năng cạnh tranh của nhóm trái cây có sản lượng lớn này trong nền kinh tế thị trường.
Để giúp cho người nông dân trồng cây ăn trái có múi tại địa phương có thể nắm rõ những chính sách, quy trình chuyển giao công nghệ trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch từ đó xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu và quảng bá thương mại sản phẩm cây có múi của Bắc Tân Uyên ra thị trường có hiệu quả, ngày 13 tháng 06 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi “Hội thảo về Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên”.
Tham gia Hội thảo, ông Đoàn Minh Chiến là chủ trang trại tổng hợp và là một trong những nông dân có diện tích canh tác cây có múi lớn trên địa bàn đã trình bày những mong muốn, nguyện vọng của người nông dân nhằm nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Hồ Trúc Thanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình bày các chương trình, chính sách hỗ trợ việc phát triển cây ăn trái có múi của ngành nông nghiệp. Ông Hồ Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công thương cũng đã trình bày cho người nông dân các điều kiện về tiêu chuẩn để sản phẩm cây ăn trái của huyện có thể tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu, đồng thời giới thiệu những chính sách, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.
Đối với những nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất cây ăn trái có múi, bà Bùi Thị Hồng Thu đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đã cho biết, việc triển khai các đề tài, dự án cần có sự thống nhất đặt hàng từ địa phương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hướng dẫn, là cầu nối liên kết giữa nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ với các tổ chức, trường, viện nghiên cứu để thực hiện.
Chợ Đầu mối Dầu Giây là một trong những địa điểm đầu mối trao đổi mua bán các sản phẩm nông nghiệp cho cả nước và xuất khẩu lớn nhất phía Nam hiện nay. Với sự tham gia của đại diện các tiểu thương tại chợ Đầu mối Dầu Giây, đã giúp cho người dân có thể thấy được nhu cầu của cây ăn trái có múi là rất lớn. Tuy nhiên, người nông dân cần phải hợp tác sản xuất đạt được tiêu chuẩn chất lượng, sơ chế sau thu hoạch tốt, nguồn cung ổn định lâu dài và xây dựng thương hiệu lớn mạnh là rất cần thiết cho việc cạnh tranh, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cây có múi hiện nay.
Sau khi các nông dân tiêu biểu trao đổi những kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn trong việc canh tác và tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, đã tổng kết và nhận thấy việc tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện để thành công thì ngoài những chính sách của nhà nước, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để hình thành các chuỗi sản xuất sản phẩm từ khâu canh tác đến tiêu thụ là rất quan trọng, đồng thời việc liên kết hợp tác để có nguồn sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và nguồn hàng cung cấp ổn định và xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái có múi huyện Bắc Tân Uyên là rất cần thiết.
(Thanh Thảo - P.QLKH)