Horasis 2018: Nhiều vấn đề về công nghệ được thảo luận
Trong khuôn khổ Horasis 2018 có nhiều Phiên đối thoại đề cập đến các vấn đề về công nghệ được các đại biểu thảo luận và đưa ra một số biện pháp triển khai, áp dụng trong sản xuất và triển khai xây dựng thành phố thông minh. Có thể kể đến Phiên đối thoại về “Xây dựng tầm nhìn cho nền kinh tế Kỹ thuật số Châu Á”; “Công nghiệp Châu Á: Hướng tới sản xuất thông minh”; “Kỹ thuật Học sâu (Deep Learning)”…
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo
Với sự bùng nổ, phát triển của khoa học công nghệ, thuật ngữ “học sâu” ra đời là sự kết hợp giữa học tập kỹ năng nghiệp vụ với trí tuệ nhân tạo thông qua máy tính. Cách học này đang làm giảm dần sự can thiệp của con người trong nhiều ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật. Đây cũng là những vấn đề được thảo luận tại phiên đối thoại “Kỹ thuật Học sâu (Deep Learning): Bộ khung mới cho Kinh doanh Châu Á”.
Toàn cảnh Phiên đối thoại với chủ đề “Kỹ thuật Học sâu (Deep Learning): Bộ khung mới cho Kinh doanh Châu Á”
Các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, doanh nghiệp khá hào hứng chia sẻ, giới thiệu nhiều ý tưởng học tập kinh doanh mới bằng việc ứng dụng “trí não nhân tạo” nhằm “đi tắt” và về đích sớm thông qua sự kết hợp giữa truyền thống với công nghệ hiện địa trong các ngành thương mại, truyền thông, quảng cáo, đào tạo...
Ông Nguyễn Hải Triều, CEO YouNet Media (Việt Nam) cho rằng, nhờ ứng dụng học sâu bằng trí tuệ nhân tạo đã giúp các doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp trẻ nắm bắt xu thế thị trường, tạo ra sản phẩm mới, giải quyết tốt các yêu cầu kinh tế -xã hội. Hiệu quả của “học sâu” giúp đi tắt và mang lại hiệu quả cao, nhưng là nội dung mới, khó nên cần được tuyên truyền, phố biến và tư vấn chọn lọc.
Ông Nguyễn Hải Triều, CEO YouNet Media (Việt Nam) chia sẻ một số vấn đề liên quan đến Deep Learning
Tại phiên đối thoại “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 - Định hình tầm vóc tương lai”, các diễn giả đã nhấn mạnh đến vấn đề thực trạng mới về kinh tế, thể chế và công nghệ; ngành sản xuất toàn châu Á đang chuyển mình mạnh mẽ với Trí tuệ nhân tạo (AI) và kết hợp cùng với Internet Vạn vật (IoT). Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng năng suất và nâng cao mức sống ở các quốc gia.
Ông Chris Gutierrez, Nhà sáng lập Stashtech Corp (Philippines) cho rằng, AI ngày càng được phát triển mạnh và hầu như thay thế được nhiều thiết bị máy móc, chỉ cần một thiết bị chủ được trang bị AI thì có thể điều khiển toàn bộ hệ thống sản xuất mà không cần nhiều nhân công vận hành.
Ông Chris Gutierrez, Nhà sáng lập Stashtech Corp (Philippines) chia sẻ một số vấn đề về AI
Riêng tại phiên đối thoại” Công nghệ vừa là Kẻ phá bĩnh vừa là Người kết nối” thì các diễn giả lại đặt ra các vấn về một loạt các công nghệ đột phá có thể sớm đóng vai trò trong việc giải quyết những thách thức cấp bách nhất ở Châu Á. Làm thế nào các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể vận dụng công nghệ để đạt được mục tiêu chung? Và những mô hình hợp tác cộng đồng và doanh nghiệp nào là cần thiết cho phép đổi mới xây dựng một tương lai chung?
Toàn cảnh phiên đối thoại” Công nghệ vừa là Kẻ phá bĩnh vừa là Người kết nối”
Xây dựng thành phố thông minh
Tại phiên đối thoại “Thành phố Thông minh - Hướng đến Sự phát triển bền vững cho các thành phố châu Á”, các diễn giả đã tập trung đối thoại về vấn đề làn sóng di dân đến các thành phố trong thập kỷ vừa qua, sự đô thị hoá ở châu Á. Theo các diễn giả, những vấn đề này có thể chỉ là sự khởi đầu của những biến đổi lớn về xã hội, kinh tế và môi trường sống, sức khoẻ con người... Vậy làm thế nào để giải quyết những vấn đề này; các thành phố này có thể thúc đẩy tăng trưởng bền vững như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương giới thiệu sơ lược về chiến lược xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương Tại phiên đối thoại “Thành phố Thông minh - Hướng đến Sự phát triển bền vững cho các thành phố châu Á”
Ông Simon Lovegrove, Giám đốc, M Health Limited, Vương Quốc Anh đã đưa các vấn đề chăm sóc sức khỏe, lấy con người làm trung tâm, chú trọng đến cuộc sống con người rồi từ đó phát triển thành phố thông minh. Theo ông, có nhiều vấn đề cần được quan tâm như vấn đề môi trường bị ô nhiễm, vận chuyển hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng, sự phát triển của cộng đồng đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport cho biết, ông tâm đắc nhất vấn đề cấu trúc về thành phố thông minh; chăm sóc sức khỏe; năng lượng sạch và xanh trong thành phố thông minh. Bình Dương nên tập trung giảm thiểu nguồn năng lượng vận hành như năng lượng giao thông; năng lượng điện; các tái chế… trong thành phố thông minh.
Tại phiên đối thoại “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 - Định hình tầm vóc tương lai”, Ông Pina Hirano, Nhà sáng lập kiêm CEO Asteria (Singapore) cho rằng, với cách mạng công nghiệp 4.0 thì internet vạn vật hấp dẫn (IoT) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đối với việc xây dựng thành phố thông minh thì IoT đóng vai trò then chốt trong việc vận hành hệ thống, kết nối các chương trình quản lý tại một đầu mối. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể điều khiển, kiểm tra, đưa ra quyết định xử lý ngay thức thời.
Ông Pina Hirano, Nhà sáng lập kiêm CEO Asteria (Singapore) chia sẻ một số vấn đề về IoT tại phiên đối thoại “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 - Định hình tầm vóc tương lai”
Hải Sư