Hướng dẫn triển khai, áp dụng Nghị định số 42/2020/NĐ-CP đối với Doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nguy hiềm loại 5 và loại 8
Căn cứ Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 42/2020/NĐ-CP), theo đó Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2020.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đăng ký cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn triển khai, áp dụng Nghị định số 42/2020/NĐ-CP các nội dung sau:
1. Yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hoá nguy hiểm:
- Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định.
- Người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện và tại cảng, bến thủy nội địa hoặc bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định.
- Thuyền viên làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt về vận tải hàng hoá nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm:
- Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.
- Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.
- Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.
Mẫu nhãn, biểu trưng hàng nguy hiểm thuộc nhóm 5 và nhóm 8
Biển hiệu màu cam có số hiệu nguy hiểm và số hiệu UN
3. Xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi:
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hoá nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.
- Việc xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.
- Trường hợp vận chuyển hàng hoá nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.
- Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác theo đúng quy trình quy định.
- Thuyền trưởng quyết định sơ đồ xếp hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và việc chèn lót, chằng buộc phù hợp tính chất của từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một khoang hoặc một hầm hàng của phương tiện.
- Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực cầu cảng, bến, kho riêng biệt.
4. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8 bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này;
b) Bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó phải có loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô) hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa);
c) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển kèm theo bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
d) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Đối với vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa gửi kèm theo bản sao chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
đ) Bản sao hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển, hàng hoá nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển, biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;
e) Bản sao hoặc bản chính Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định đối với vật liệu bao gói, thùng chứa hàng nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hồ sơ cấp lại Giấy phép khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép hoặc Giấy phép bị mất, bị hỏng, bị thu hồi hoặc bị tước bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm;
b) Hồ sơ chứng minh sự thay đổi về thông tin (trong trường hợp có sự thay đổi liên quan đến nội dung) hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm (trong trường hợp bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy phép).
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Đơn vị liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được hướng dẫn./.
Tải Nghị định số 42/2020/NĐ-CP tại đây
Thanh Tuyền