Huyện Dầu Tiếng: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất
Trong 6 tháng đầu năm 2016, huyện Dầu Tiếng tăng cường các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất trên địa bàn huyện như: Ban hành các chính sách khuyến khích về chăn nuôi, kết quả, trên địa bàn huyện đã phát triển thêm 04 trang trại chăn nuôi gia súc sử dụng công nghệ trại lạnh. Lũy kế đến nay trên toàn huyện đã có 51 trang trại chăn nuôi gia súc, 50 trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ lạnh;
Phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt huyện Dầu Tiếng”. Mục đích của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể măng cụt, nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, đảm bảo việc xúc tiến thương mại có hiệu quả; góp phần nâng cao giá trị kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương, bảo tồn giống măng cụt ngon, truyền thống của địa phương. Tạo quy trình canh tác chuẩn cho việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ trái măng cụt với thương hiệu Măng cụt Dầu Tiếng.
Phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức 6 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su cho nông dân tại các xã Định Thành, Định Hiệp, Định An, Minh Tân, Minh Thạnh và Long Hòa với hơn 200 người tham dự; 02 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa tại xã Thanh Tuyền với hơn 90 người tham dự; 01 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong trồng trọt tại xã Thanh An với hơn 100 người tham dự.
Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế huyện còn phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Đội Quản lý thị trường số 7 thực hiện kiểm định các phương tiện đo như: Cân bàn điện tử, cân kỹ thuật và cân đồng hồ lò xo của các cơ sở, hộ dân trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, thu mua mủ cao su… tại 114 hộ (gồm 30 cân đồng hồ lò xo cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ; 14 cân bàn điện tử cho các hộ kinh doanh vàng, bạc; 43 cân kỹ thuật và 27 cân đĩa cho các hộ kinh doanh mủ cao su) trên địa bàn huyện. Kết quả kiểm định phương tiện đo đều đạt yêu cầu quy định về đo lường.
Trong thời gian tới, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên về lĩnh vực khoa học và công nghệ, huyện Dầu Tiếng sẽ xây dựng các mô hình để chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho nông dân trên địa bàn huyện như: Triển khai thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm (khoảng 04ha); mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án “Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản (Măng cụt) xã Thanh Tuyền huyện Dầu Tiếng”; tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể Măng cụt huyện Dầu Tiếng”. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã được đánh giá, kết luận có hiệu quả; lựa chọn một số mô hình tiên tiến có tính ứng dụng cao nhằm đưa vào kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ năm 2017; tập trung vào các dự án triển khai ứng dụng thật sự cần thiết và khả thi để đảm bảo kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong năm.
Nhìn chung, nhu cầu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phục vụ đời sống trên địa bàn huyện rất lớn, nhưng xét về trình độ cũng như năng lực chuyên môn của cán bộ trên địa bàn huyện để nghiên cứu đề tài hay tổ chức ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, huyện Dầu Tiếng chưa lựa chọn được đề tài, dự án phù hợp để triển khai thực hiện. Chính vì vậy, huyện Dầu Tiếng luôn luôn đón mời các các Viện, trường, đơn vị chuyển giao ứng dụng tiếp tục giới thiệu các đề tài, dự án chuyển giao công nghệ, phát minh sáng kiến trong sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để triển khai ứng dụng và nhân rộng.
Minh Thanh