Khóa đào tạo “Hướng dẫn viết báo cáo tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia”
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là giải thưởng về chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng hằng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và áp dụng hiệu quả các hệ thống quản lý chất lượng, tham gia tích cực cho phong trào năng suất, chất lượng tại địa phương và đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Nhằm giúp các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018 và Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng nắm rõ hơn về điều kiện và cách thức viết báo cáo tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia. Vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương phối hợp Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức khóa đào tạo “Hướng dẫn viết báo cáo tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018”.
Tham dự khóa đào tạo gồm có: ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, ông Đỗ Thanh Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương cùng các thành viên Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng và các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc các đại biểu đã nghe đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam triển khai một số nội dung như:
- Tổng quan về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
- Các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
- Hướng dẫn viết báo cáo tham dự.
- Hướng dẫn đánh giá Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
- Thực hành viết báo cáo.
Báo cáo tự đánh giá của tổ chức, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia gồm 7 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 1: Vai trò của lãnh đạo
Tiêu chí này đề cập cách thức các lãnh đạo cao nhất của tổ chức chỉ đạo và duy trì hoạt động tổ chức cũng như xem xét việc điều hành tổ chức và việc thực hiện các trách nhiệm về pháp lý, đạo đức, xã hội và sự hỗ trợ đối với cộng đồng của tổ chức.
Tiêu chí 2: Chiến lược hoạt động
Tiêu chí này đề cập cách thức tổ chức xây dựng mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động, cách thức triển khai và điều chỉnh (nếu có) mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động đã chọn và đo lường việc thực hiện.
Tiêu chí 3: Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường
Tiêu chí này nêu cách thức tổ chức thực hiện sự gắn bó, cam kết với khách hàng của mình nhằm đạt được thành công dài hạn trên thị trường. Chiến lược gắn kết này cho thấy cách thức tổ chức xây dựng một nền văn hóa định hướng vào khách hàng. Tiêu chí này cũng nêu cách thức tổ chức lắng nghe mong muốn của khách hàng và sử dụng các thông tin này để cải tiến và xác định các cơ hội cải tiến.
Tiêu chí 4: Đo lường, phân tích và quản lý tri thức
Tiêu chí này đề cập đến cách thức tổ chức lựa chọn, thu thập, phân tích, quản lý và cải tiến dữ liệu, thông tin và tài sản tri thức, quản lý công nghệ thông tin. Tiêu chí này cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện việc xem xét và sử dụng việc xem xét này để cải tiến hoạt động của mình.
Tiêu chí 5: Quản lý nguồn nhân lực
Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức quản lý, xây dựng và gắn kết lực lượng lao động của mình như thế nào để sử dụng hết tiềm năng nhằm thực hiện được nhiệm vụ, chiến lược và kế hoạch hành động tổng thể của tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét đến khả năng đánh giá năng lực và nhu cầu về năng suất của lực lượng lao động, khả năng xây dựng một môi trường cho lực lượng lao động nhằm đạt được hiệu quả cao.
Tiêu chí 6: Quản lý quá trình hoạt động
Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức thiết kế hệ thống làm việc của mình; cách thức tổ chức thiết kế, quản lý và cải tiến các quá trình chính của mình để thực hiện công việc nhằm đem lại giá trị cho khách hàng, đạt được thành công và sự phát triển bền vững cho tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét sự sẵn sàng của tổ chức đối với các trường hợp khẩn cấp.
Tiêu chí 7: Kết quả hoạt động
Tiêu chí này xem xét kết quả thực hiện và việc cải tiến của tổ chức trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính như: Các kết quả hoạt động về sản phẩm, sự thỏa mãn của khách hàng, kết quả tài chính và thị trường, nguồn nhân lực, kết quả tác nghiệp, điều hành và trách nhiệm xã hội. Mức độ kết quả này được so sánh với các kết quả tương ứng của đối thủ cạnh tranh và các tổ chức khác cung cấp sản phẩm tương tự.
Tổng điểm tối đa của 07 tiêu chí này là 1.000 điểm. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt từ 600 điểm trở lên. Giải vàng chất lượng quốc gia được tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt từ 800 điểm trở lên./.
Minh Đức