Khoa học và công nghệ: Định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới
Năm 2016, ngành khoa học và công nghệ đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của ngành để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, ngành KH&CN đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 04 tỉnh miền Trung.
Hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.
Khoa học xã hội và nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Khoa học và công nghệ là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng; đóng góp thiết thực trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai; thúc đẩy sự phát triển ngành y tế, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới; chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được cải thiện theo hướng hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục, chi phí giao dịch, có sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tự động 24/24 giờ; giúp các dịch vụ ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo các cụm khối, hệ thống kiểm tra phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hoá, bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, tăng tầm bắn, tăng uy lực, khả năng cơ động, tăng độ chính xác, tích hợp khả năng dẫn đường; xây dựng các hệ thống giám sát có chủ đích trên không gian mạng; xây dựng hệ thống kiểm soát luồng thông tin, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho máy tính, hệ thống mạng quân sự và không gian mạng nói chung; đảm bảo hậu cần, y dược quân sự: đảm bảo hậu cần, quân y trong các điều kiện tác chiến mới.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng, hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng nhiều địa phương đã quan tâm hơn đến đầu tư cho KH&CN.
Năm 2016, Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN (không tính kinh phí dành cho an ninh - quốc phòng và dự phòng) đã được Quốc hội phê duyệt là 17.730,6 tỷ đồng, chiếm ~1,4% NSNN. Tại các địa phương, tình hình phân bổ, sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN năm 2016 đã được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn so với các năm trước.
Các tổ chức khoa học và công nghệ được giao quyền tự chủ theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên; các chính sách, quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN tiếp tục được áp dụng; các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung tiếp tục được quan tâm phát triển, tạo điều kiện cho các hoạt động KH&CN. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, tổ chức và hoạt động của các khu công nghệ cao tiếp tục được tháo gỡ.
Tính đến tháng 6/2016, cả nước có khoảng 250 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá và có khoảng 2.100 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận thuộc các lĩnh vực công nghệ khác nhau, trong đó tập trung vào: Công nghệ sinh học (47%), công nghệ tự động hóa (16,7%), công nghệ vật liệu mới (14,05%).
Năm 2016, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường KH&CN cơ bản đã được hình thành, đã tạo ra cơ chế thông thoáng cho sự phát triển các yếu tố và hạ tầng của thị trường công nghệ ở Việt Nam trong các khâu: Ươm tạo công nghệ; nhập khẩu giải mã, làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ. Các tổ chức trung gian hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ KH&CN được quan tâm xây dựng, phát triển.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ hình thành, phát triển các định chế trung gian của thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với thị trường, các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ (TechFest) cũng đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN trong nước. Sàn giao dịch công nghệ vẫn tiếp tục duy trì và triển khai công tác tư vấn, kết nối cung cầu, môi giới chuyển giao công nghệ. Hệ thống cơ sở dữ liệu cung, cầu công nghệ được thiết kế gồm phần mềm xử lý cơ sở dữ liệu công nghệ để cập nhật dữ liệu về nhu cầu đổi mới công nghệ, nhu cầu tư vấn cải tiến kỹ thuật, nhu cầu liên doanh liên kết dựa trên công nghệ...; dữ liệu các công nghệ sẵn sàng chuyển giao trong và ngoài nước; dữ liệu về chuyên gia tư vấn công nghệ; dữ liệu doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực.
Hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là công cụ, phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại. Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ được rà soát, đề xuất sửa đổi để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng cho nhà đầu tư, cũng như đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 bắt đầu đưa vào triển khai các nội dung đào tạo về quản lý, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tiên tiến phục vụ cho nhu cầu đổi mới của doanh nghiệp; hoàn thành bản đồ công nghệ tạo, sản xuất các loại giống lúa; hỗ trợ lập bản đồ công nghệ và đã xây dựng lộ trình công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vắcxin. Hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN ngày càng đa dạng, phong phú thông qua các hình thức hợp tác nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, tổ chức hội thảo, hội nghị, trình diễn công nghệ, hội chợ triển lãm công nghệ, gắn kết hơn với yêu cầu thực tiễn của các ngành, địa phương, bước đầu phục vụ có hiệu quả cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về KH&CN tiếp tục được thực hiện. Công tác quản lý KH&CN từng bước được hiện đại hóa thông qua việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Tuyên truyền, phổ biến thông tin KH&CN có tính ứng dụng cao cho hộ chăn nuôi, sản xuất thông qua hội nghị
Trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ cũng đã đưa ra các giải pháp liên quan đến công tác tham mưu văn bản, cơ chế, chính sách, hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tiềm lực KH&CN; thúc đẩy hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ… để góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trần Phước