Lợi ích của việc xác lập quyền cho Nhãn hiệu Tập thể
Nhãn hiệu và lợi ích của nhãn hiệu
Theo Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Có thể hiểu “nhãn hiệu” là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, dịch vụ của nhà sản xuất A với sản phẩm, dịch vụ của nhà sản xuất B, như ví dụ dưới đây:
a) Sản phẩm gạch men:
b) Dịch vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản:
c) Biểu tượng của doanh nghiệp - Việc xây dựng nhãn hiệu là nhằm tạo dựng một biểu tượng, một hình ảnh về doanh nghiệp và về sản phẩm của doanh nghiệp đó trong tâm trí người tiêu dùng. Một khi nhãn hiệu đã nổi tiếng và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và yêu mến sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp.
Nhãn hiệu của Công ty Kinh Đô
Tại sao người tiêu dùng thường chọn các sản phẩm bánh, kẹo của Công ty Kinh Đô? Câu trả lời là sản phẩm của công ty này có tiếng, có chất lượng tốt, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thực phẩm và yên tâm hơn so với những sản phẩm của các đơn vị khác. Lâu dần nhãn hiệu bánh kẹo “Kinh Đô” ăn sâu trong tâm trí người tiêu dùng nên sản phẩm của Công ty Kinh Đô thường rất dễ bán, giá lại cao và ít khi bị khách hàng xét nét so với các sản phẩm cùng chủng loại của các công ty khác.
Tạo dựng niềm tin - Khi sản phẩm có nhãn hiệu, có bao bì ghi rõ thông tin doanh nghiệp, các chỉ tiêu chất lượng, giải thưởng đạt được, … sẽ rất dễ bán và có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại mà không có nhãn hiệu. Ngày nay, người tiêu dùng thường chỉ chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là đối với hàng thực phẩm vì liên quan đến sức khỏe … nên những sản phẩm không có nguồn gốc sẽ khó tiêu thụ và bán giá cũng không cao, nói chung là rất khó để thuyết phục được người tiêu dùng.
Khách hàng trung thành - Khi nhãn hiệu ngày càng tạo dựng được uy tín thì doanh nghiệp ngày càng có nhiều khách hàng trung thành hơn. Thường thì khách hàng có tâm lý ngại thay đổi sản phẩm, nên khi đã hài lòng với sản phẩm của doanh nghiệp thì họ ít khi thay đổi hơn trừ khi sản phẩm không còn đảm bảo chất lượng. Với sản phẩm có chất lượng, khách hàng còn giúp doanh nghiệp quảng cáo không công cho những người thân, từ đó là doanh nghiệp ngày càng có nhiều khách hàng hơn.
Nhãn hiệu tập thể và lợi ích của nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Có thể hiểu nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu chung của tập thể, các thành viên của tập thể đó đều được sử dụng và quảng bá cho sản phẩm của mình. Tập thể ở đây có thể là hợp tác xã, hội nông dân làm vườn, tổ hợp tác, tổng công ty, các hội nghề khác, … Bên cạnh quyền được sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình, các thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ Qui chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Thông thường, nhãn hiệu tập thể hay đi liền với tên địa danh để chỉ sản phẩm có xuất xứ từ địa phương và vùng lãnh thổ mang địa danh đó. Việt Nam từ lâu là một nước nông nghiệp, mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng), nên sản phẩm nông nghiệp có những nét đặc thù riêng của từng vùng miền mà vùng khác không thể có được hoặc sản phẩm có chất lượng không bằng. Việc chọn lựa và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đi liền với tên địa danh chắc chắn sẽ đem đến nhiều lợi ích cho tập thể và cho các thành viên của tập thể. Danh tiếng và chất lượng của sản phẩm xuất xứ từ vùng mang địa danh chắc chắn sẽ nhanh chóng được người tiêu dùng gần xa đón nhận.
Hơn nữa, sản phẩm có gắn nhãn hiệu sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và ghi nhớ nhiều hơn về sản phẩm đó. Và một khi sản phẩm đó ngon và có chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm cùng loại khác, người tiêu dùng sẽ nhớ và tìm mua khi có nhu cầu tiêu dùng ở lần tiếp theo. Ngược lại, nếu sản phẩm không có nhãn hiệu thì người tiêu dùng không thể nào biết được sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu.
Ngoài ra, nhãn hiệu tập thể có tên địa danh đi kèm khi gắn trên sản phẩm cũng được coi là dấu hiệu đảm bảo về mặt chất lượng cho người tiêu dùng vì rằng danh tiếng về sản phẩm từ vùng địa danh đó đã được khẳng định theo thời gian.
Nói chung, nhãn hiệu tập thể được xem là phương thức hiệu quả để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hợp tác xã, hội làm vườn, hội ngành nghề, … quảng bá sản phẩm của tập thể ra thị trường, qua đó giúp đỡ từng hội viên phát triển sản phẩm của mình. Nếu không có tập thể, từng cá nhân chắc khó có nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình, và như vậy sản phẩm làm ra sẽ không thể bán với giá cao do người tiêu dùng không tin tưởng.
Lợi ích của “nhãn hiệu tập thể” đối với sản phẩm nông nghiệp
Thứ nhất, được Nhà nước hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các hội ngành nghề trong cả nước bảo tồn và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng của vùng. Các đề án xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các địa phương được trung ương và điạ phương hỗ trợ về kinh phí xây dựng, quảng bá và đăng ký bảo hộ nên mang đến nhiều lợi ích cho các hội viên tham gia hội và sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Thứ hai, các hộ kinh doanh cá thể, hộ làm vườn, nhà nông, … do không có nhiều kinh phí nên không thể xây dựng và phát triển nhãn hiệu hay thương hiệu riêng cho mình. Việc tham gia hội và sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp nhà nông dễ tiêu thụ sản phẩm làm ra hơn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường nên sản phẩm không có nhãn hiệu thường rất khó tiêu thụ.
Thứ ba, hội viên cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể chỉ tốn một chi phí cho việc đăng ký và quảng bá nhãn hiệu nhưng lại có được nhãn hiệu để nhiều người cùng sử dụng cho sản phẩm của mình, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của vùng góp phần cải thiện được đời sống cho các hội viên.
Thứ tư, tham gia tập thể, hội làm vườn, … ngoài việc các hội viên có được nhãn hiệu tập thể để quảng bá cho sản phẩm của mình, hội viên sẽ được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tập huấn và hỗ trợ thường xuyên về kỹ năng canh tác, được chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm canh tác với nhau, được hỗ trợ cách phòng chống dịch bệnh cho sản phẩm, … nên sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng đồng đều, năng suất cao nên rất được giá, đời sống nhà nông qua đó được cải thiện. Ngược lại, nếu sản xuất đơn lẻ, nhà nông sẽ gặp nhiều khó khăn, như là sản phẩm có hình dáng không đồng đều, tỉ lệ sản phẩm đạt chất lượng thấp, số lượng ít, cộng với việc không có thương hiệu nên thường bị ép giá và không tiêu thụ được ở siêu thị hay thành phố lớn.
Thư năm, khả năng tiếp cận thị trường lớn nhiều hơn - Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp ít có khả năng tiếp cận với thị trường lớn vì không có nhãn hiệu. Các hộ sản xuất nông nghiệp khi thu hoạch thường bán lại cho thương lái tại địa phương hoặc tiêu thụ tại chỗ nên giá bán thường không cao. Khi tham gia hội ngành nghề, sản phẩm làm ra của hội viên tập hợp lại được nhiều hơn nên có thể cung cấp ổn định cho siêu thị và thành phố lớn nên sẽ bán được giá hơn.
Thứ sáu, với mọi loại hàng hóa, sản phẩm có thương hiệu và thông tin rõ ràng luôn luôn có giá cao hơn sản phẩm không có thương hiệu, và trái cây không là một ngoại lệ. Ngày nay người tiêu dùng chỉ an tâm khi sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng nên sản phẩm không có thương hiệu thì khó tiêu thụ và cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ: có thể thấy rằng trước khi Bưởi Bạch Đằng - Tân Uyên có “thương hiệu” thì các hộ trồng bưởi ở Bạch Đằng bán cho các thương lái có giá từ 300.000- 350.000 đồng/chục quả, trong khi đó thương lái gắn nhãn hiệu riêng của họ và bán ra thị trường với giá 500.000 - 600.000 đồng/chục. Hiện nay, sau khi Bưởi Bạch Đằng có “thương hiệu” nhiều khách hàng đã tìm đến mua, đặt hàng lâu dài.
Thứ bảy, nhãn hiệu tập thể là công cụ tiếp thị và quảng bá các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định nhanh nhất thị trường. Lợi thế về địa danh đã được khẳng định nên sản phẩm dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận./.
Minh Đức (Phòng Quản lý chuyên ngành)