Một số đề xuất về vai trò Trí thức trong NCKH phục vụ đổi mới sự nghiệp giáo dục Việt Nam
Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Ðội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bằng hoạt động sáng tạo, trí thức nước ta đã có đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trí thức nước ta còn nhiều mặt hạn chế cần sớm được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (NQTW khóa X).
Vai trò của trí thức ngành giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0:
Nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là sự kết nối giữa thế giới thật và thế giới ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng, do vậy kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng đối với các trí thức ngành giáo dục. Do đó người thầy phải là chuyên gia về Công nghệ thông tin; tích cực trang bị cho học sinh, sinh viên các kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong nền CMCN 4.0. Trang bị trình độ ngoại ngữ đủ để có thể làm việc ở mọi nơi với tư cách của công dân toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng và cốt lõi hơn hết là nhà giáo phải đào tạo ra con người Việt Nam trong thời đại văn minh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, duy trì và phát triển truyền thống tốt đẹp của dân tộc như Truyền thống Tôn sư trọng đạo; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; uống nước nhớ nguồn; yhương người như thể thương thân, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh dựng và giữ nước,…
Các nguyên cứu khoa học, ứng dụng nên tập trung vào các lĩnh vực sau:
Cho dù trên thực tế còn khá nhiều bất cập, nhưng nhìn chung với khoảng một triệu nhà giáo với bậc học phổ thông và mầm non là 680.000 người; giảng viên đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp: 59.000 người. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp khoảng 100.000 người. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng lao động đông đảo, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, giữ vai trò quyết định đối với sự nghiệp “trồng người”, luôn gắn bó với nghề ngay cả những lúc khó khăn gian khổ nhất, nhiều người đã và luôn xứng đáng với lòng tin của cộng đồng và sự tôn vinh của xã hội về vai trò của người kỹ sư tâm hồn trong hệ thống giáo dục. Do đó các nguyên cứu trong thời gian sắp tới nên tập trung vào các lĩnh vực sau:
Một là, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ hành chính sách ưu đãi để giáo viên mầm non được hưởng mọi quyền lợi như giáo viên phổ thông, bảo đảm sự công bằng trong giáo dục. Nghiên cứu để có thể thành lập hai trường đại học chuyên ngành mầm non trên phạm vi toàn quốc phục vụ đào tạo giáo viên các trường cao đẳng sư phạm địa phương và cán bộ quản lý ngành học này.
Hai là, nghiên cứu và ứng dụng thành tự từ các nước tiên tiến cũng như đang phát triển để quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng thành một hệ thống đào tạo thống nhất, có thể là trường do địa phương quản lý nhưng vẫn là một hệ thống nhà trường quốc gia Việt Nam nhằm tránh sự chồng chéo. Trong tương lai, nghiên cứu ứng dụng để mỗi tỉnh chỉ nên có một trường cao đẳng cộng đồng để hạn chế sự lãng phí cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Ba là, nghiên cứu để đề xuất cho cán bộ quản lý giáo dục (trước mắt có thể là cán bộ của Sở, Phòng Giáo dục) được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên như nhà giáo để góp phần chấn chỉnh đội ngũ một cách thiết thực. Mỗi nhiệm kỳ cán bộ giữ chức vụ quản lý trường học phải có một nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng Viện quản lý như Malaysia: Mỗi cán bộ quản lý sau 1 nhiệm kỳ lãnh đạo quay về Viện để được đào tạo lại, có thể cử đi thực tập ở nước ngoài cho đối tượng cán bộ quản lý giáo dục vùng ATK, vùng căn cứ cách mạng và vùng biên giới, vùng xa xôi, hải đảo,… theo kế hoạch hằng năm.
Năm là, nghiên cứu khoa học để đề xuất Chính phủ giao cho ngành giáo dục chỉ tiêu cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề mỗi năm, kể cả khu vực tư nhân do kinh tế tư nhân là động lực để phát triển đất nước (Văn kiện ĐH XII).
Sáu là, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ lao động cán bộ nữ trong ngành giáo dục. Chẳng hạn như giáo viên Mầm non, Tiểu học nghỉ hưu có thể ở độ tuổi 50, 55 nhưng bậc lương cuối cùng bằng với nam giáo viên 60 tuổi.
Bảy là, nghiên cứu để có căn cứ đề xuất về số lượng học sinh, giáo viên/lớp cũng như một tỷ lệ có nhân viên phục vụ trường học và giáo viên dự bị để kịp thời đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi ở lần sau cho kịp với xu thế phát triển của thời đại.
Tám là, nghiên cứu kỹ về Tự chủ một cách toàn diện, quy định trách nhiệm đầu tư của ngân sách nhà nước, của nhân dân cũng như của người Quản lý, không để như cách hiểu hiện nay: “Tự chủ là tự thu tự chi” như vậy thì giáo dục đâu còn là Quốc sách hàng đầu.
Chín là, huy động lực lượng giáo viên đầu tư nguyên cứu ứng dụng “Kết hợp Dạy người với quá trình trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên” với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ nhằm đạt mục tiêu của việc dạy và học như Bác Hồ đã từng chỉ bảo các nhà giáo khi dạy trẻ là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Nếu đội ngũ trí thức ngành Giáo dục đào tạo tập trung vào lĩnh vực nên trên, chất lượng Dạy và Học cũng như chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện, trẻ em Việt Nam chúng ta sẽ được giáo dục để tự bảo vệ và thoát khỏi sự đe dọa như tổ chức Save Children đã báo cáo.
Nguyễn Nhi (Nguồn: Tài liệu TS. Đặng Huỳnh Mai "Vai trò của đội ngũ trí thức trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong sự nghiệp giáo dục")