Một số giải pháp khởi nghiệp trong nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu thập cho người dân nông thôn. Năm 2016, đã có 244 doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp được thông qua đề án tái cơ cấu. Doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp khoảng là 1.500 và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 tăng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp khoảng 40%, trong đó doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20-30%.
Tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu dựa vào vốn, vật tư, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Nhưng, những nguồn lực này ngày càng suy giảm, chi phí sản xuất ngày càng tăng làm cho ngành phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nông sản được đưa vào ứng dụng sản xuất chưa được triển khai đồng bộ, bước đầu mới hình thành các khu công nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chưa lan tỏa các thành tựu của nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nền nông nghiệp nước ta cũng đứng trước những thách thức không hề nhỏ trong xu thế hội nhập. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, nông dân của chúng ta phải thay đổi, tăng cường phát huy nội lực nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển để phù hợp với xu thế hội nhập chung của thế giới. Do đó, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp như sau:
Hoàn thiện cơ chế chính sách; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước trong từng lĩnh vực; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các Viện, Trường trong đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Chủ động và tích cực thực hiên liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Thơ Mộng